Đại sứ Hoa Kỳ: Nông nghiệp có tầm quan trọng "sống còn" với Việt Nam
(Dân trí) - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, mặc dù có sự tăng trưởng to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, ngành nông nghiệp vẫn là nền tảng vững chắc của nền kinh tế Việt Nam
Nông nghiệp có tầm quan trọng sống còn với Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị Toàn thể nhóm Hỗ trợ Quốc tế (ISG) năm 2015 diễn ra sáng 6/11, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius chia sẻ: "Kể từ lần đầu tiên tới Việt Nam vào năm 1995, tôi đã hiểu rằng ngành nông nghiệp quan trọng như thế nào đối với môi trường kinh tế, xã hội và văn hoá của Việt Nam. Các sản phẩm nông nghiệp được dùng làm quà biếu giữa các gia đình Việt Nam vào dịp Tết và các sự kiện quan trọng trong năm. Khi đi từ Bắc vào Nam, du khách thường chọn mang theo ít Bánh Cốm, quả Vải hoặc quả Sấu làm quà cho các đồng nghiệp ở miền Nam, và khi trở về từ miền Nam sẽ mang theo quả Xoài, Hải sản và quả Cóc”.
"Mặc dù có sự tăng trưởng to lớn trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, ngành nông nghiệp vẫn là nền tảng vững chắc của nền kinh tế Việt Nam”, vị đại sứ nhấn mạnh.
Theo ông, nông nghiệp sử dụng gần 50% dân số và đang tiếp tục đáp ứng các thách thức về cung cấp thực phẩm cho dân số đang tăng nhanh ở Việt Nam cũng như toàn cầu. Nông nghiệp đã mang loại doanh thu khoảng 30,8 tỷ USD từ xuất khẩu cho Việt Nam trong năm 2014. Các đối tác thương mại khác nhau, từ các nước đang phát triển ở châu Phi; các thành viên của tổ chức ASEAN; đến thị trường của các nước phát triển ở châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ đang ngày càng chuyển sang nhập khẩu một loạt các sản phẩm nông, thủy sản và các sản phẩm lâm nghiệp từ Việt Nam.
"Tầm quan trọng sống còn của nông nghiệp đối với kinh tế Việt Nam cũng như đối với an ninh lương thực trong khu vực là rất to lớn", ông Ted Osius nói.
"Nước lên thì thuyền sẽ lên"
Đánh giá về cơ hội và thách thức của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập TPP, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn với nhiều mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp chủ lực của Việt Nam có thuế bằng 0%.
Một cơ hội lớn hơn là vấn đề đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ kỹ năng lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao quy mô phát triển sản xuất, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, song song với đó, ngành nông nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi phải chịu sức ép cạnh tranh lớn với hàng nhập khẩu ngay trên thị trường trong nước.
"Tuy cắt giảm thuế nhưng nhiều nước vẫn còn hàng rào phi thuế quan cao. Các quy định khác của TPP về bảo vệ bản quyền (giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y), lao động, nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ môi trường… cũng rất chặt chẽ. Đặc biệt, đối với những ngành kém lợi thế, sức cạnh tranh yếu sẽ bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau”, Bộ trưởng nói.
Dưới góc nhìn lạc quan hơn, ông Ted Osius cho rằng, TPP mang đến một cơ hội làm tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam và tiếp cận các thị trường chiếm đến khoảng 10% dân số thế giới và nhập khẩu khoảng 26% các sản phẩm lương thực và thực phẩm trên toàn thế giới trong năm 2014.
Bên cạnh đó, sự tiếp tục hội nhập sâu hơn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế sẽ mở cửa cho việc đầu tư vào thiết bị và công nghệ hiện đại hơn, hiện đại hóa ngành nông nghiệp và làm cho nó hiệu quả hơn.
Ông phân tích, tự do hóa thương mại đem lại những thay đổi năng động và bất ngờ trong một nền kinh tế. Một ví dụ được vị Đại sứ nhắc tới là khi Hoa Kỳ hoàn tất thoả thuận thương mại khu vực đầu tiên của mình, Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA) đã có nhiều lo ngại sẽ làm tổn hại tới những nông dân của mình, đặc biệt là đối với các hộ sản xuất quy mô nhỏ.
Tuy nhiên, trong thực tế hiệp định này đã tạo ra những thị trường lớn hơn cho tất cả các nhà sản xuất trong khu vực. Thực tế là, tổng thương mại nông nghiệp song phương giữa Hoa Kỳ và hai đối tác của NAFTA là Canada và Mexico đã tăng lên gần 5 lần so với mức thu trong năm trước khi thực hiện NAFTA và đã vượt qua mốc 100 tỷ Đô la Mỹ trong năm 2014. Hiện tượng tăng trưởng này mô tả cho câu ngạn ngữ hay được nhắc tới là "nước lên thì thuyền sẽ lên", với việc cả ba quốc gia được hưởng lợi từ NAFTA.
"TPP đặt nền tảng cho sự phát triển bùng nổ và sâu rộng tương tự trong thương mại giữa Việt Nam và các đối tác TPP", ông nói.
Phương Dung