Đại lý thu đổi ngoại tệ: Tay dài đến đâu?

Nguồn cung mà các đại lý thu đổi ngoại tệ cung ứng cho thị trường tự do không quá lớn, nhưng nó là nơi người dân có thể mua dễ dàng nếu họ có nhu cầu.

Đại lý thu đổi ngoại tệ: Tay dài đến đâu? - 1
(ảnh minh họa: SGTT)
 
Chưa có con số thống kê chính thức cả nước có bao nhiêu tiệm vàng. Chỉ biết rằng từ trước đến nay mỗi khi cần mua bán ngoại tệ, người ta ra tiệm vàng. Ngay cả những tiệm vàng không có giấy phép thu đổi ngoại tệ cũng vẫn mua bán đô la Mỹ. Tiệm vàng là mắt xích phổ biến đầu tiên và ở vòng ngoài cùng của hệ thống giao dịch ngoại tệ thị trường tự do.

Lần này khác...

Vòng thứ hai của hệ thống đó là các bàn và các đại lý thu đổi ngoại tệ. Mười mấy năm trước khi mạng lưới của các tổ chức tín dụng còn hạn chế, các đại lý thu đổi ngoại tệ là cánh tay vươn dài của các ngân hàng. Về nguyên tắc, các đại lý chỉ được phép mua, không được phép bán ngoại tệ.

Tuy nhiên, nếu hoạt động đúng như thế, các đại lý không có nhiều lợi nhuận. Cho nên họ dấm dúi vượt rào, bán ngoại tệ chui cho những ai có nhu cầu. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) biết việc này, nên số lượng đại lý bị xiết lại, sự quản lý cũng chặt chẽ hơn về điều kiện hoạt động kèm theo các đợt thanh, kiểm tra. Song sau mỗi đợt kiểm tra, việc quản lý lỏng dần, việc bán ngoại tệ từ lén lút đến công khai của các đại lý lại đâu vào đấy.

Mới đây thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu nói với báo chí: “Chúng tôi sẽ phối hợp với bên công an chấn chỉnh và tháo gỡ dứt điểm các bàn, đại lý thu đổi ngoại tệ. Mạng lưới của các ngân hàng đã đủ rộng để đảm đương vai trò của các đại lý”.

Trên thực tế, hiện TPHCM có 78 bàn, đại lý thu đổi ngoại tệ. Ở Hà Nội con số này ít hơn, nhưng cũng không dưới 60 - 70. Tính bình quân mỗi ngân hàng có 10 đại lý, thì cả nước đang có ít nhất 420 đại lý thu đổi ngoại tệ (42 ngân hàng nội. Các ngân hàng ngoại không có đại lý dạng này - NV).

Mỗi đại lý được các ngân hàng khoán mức thu đổi ngoại tệ khác nhau tùy theo từng đơn vị, tùy vị trí và quy mô. Mức khoán cao nhất, khoảng 100.000 - 150.000 đô la Mỹ/tháng hoặc xấp xỉ 300.000 - 500.000 đô la Mỹ/quí. Thông thường thì 50.000 - 60.000 đô la Mỹ/tháng. Mức khoán có nghĩa là hàng tháng mỗi đại lý phải bán cho ngân hàng của họ số ngoại tệ nói trên theo tỷ giá tiền mặt niêm yết của ngân hàng.

Với nhiều đại lý, không ai (trừ họ) có thể biết chính xác số ngoại tệ họ thu đổi được dù theo quy định, họ phải ghi lại chi tiết trên sổ sách các giao dịch hàng ngày. Tất nhiên, các đại lý không đời nào bán ngoại tệ vượt quá mức khoán cho ngân hàng. Phần vượt họ bán ra ngoài với giá cao, kiếm lời.

Các ngân hàng biết điều đó, nhưng cũng không có cách gì bắt bẻ được. Thay vào đó hai bên xây dựng mối quan hệ thân thiện. Có khi doanh nghiệp cần ngoại tệ mà ngân hàng không có, họ được “giới thiệu” qua đại lý thu đổi ngoại tệ. Số lượng giao dịch lớn bao nhiêu, các đại lý cũng lo được. Chỗ họ không đủ, họ gom của những đại lý khác, của tiệm vàng. Chỉ cần thỏa thuận được giá là xong.

Cần điều kiện chuyển tiếp

Mối quan hệ giữa các đại lý cũng rộng như ngân hàng. Họ có thể lấy hàng từ các tỉnh về TPHCM và ngược lại. Vào những thời điểm “nóng”, giá bán ngoại tệ được chốt với khách hàng ở thành phố ngày hôm trước, hàng giao ngày hôm sau là chuyện thường. Nếu giá ngày hôm sau tăng, đại lý thiệt, giá giảm họ lời.

Với các ngoại tệ mạnh khác, đại lý không giao dịch theo giá mua bán của ngân hàng, mặc dù ngân hàng được phép tự ấn định tỷ giá tiền đồng với euro, yen, Bảng... Họ nhìn vào sự biến động của các ngoại tệ so với đô la Mỹ để đưa ra giá giao dịch.

Có những đại lý lỗ nhiều, nhưng lời cũng lắm do trở tay không kịp với tỷ giá quốc tế. Thời điểm đồng euro giảm nhiều ngày liên tục, xuống 1,18 - 1,19 đô la Mỹ/euro, có đại lý mất hàng tỉ đồng chỉ trong vài ngày. Những đại lý chuyên giao dịch đồng đô la Úc thì năm ngoái lãi khẳm.

Bây giờ sự tồn tại của các bàn, đại lý thu đổi ngoại tệ không mang lại nhiều lợi ích cho các ngân hàng bởi ngân hàng hiện diện khắp nơi. Các điểm giao dịch của ngân hàng đều có chức năng mua ngoại tệ của khách hàng cá nhân, nhỏ lẻ. Còn giao dịch với doanh nghiệp thì phải tùy chức năng từng nơi.

Nguồn cung mà các đại lý thu đổi ngoại tệ cung ứng cho thị trường tự do không lớn so với giá trị giao dịch của toàn thị trường, nhưng nó cùng với các tiệm vàng, là nơi người dân có thể mua dễ dàng nếu họ có nhu cầu về ngoại tệ như đi du lịch, du học, chữa bệnh, hay hỗ trợ người thân ở nước ngoài.

Việc dẹp các bàn, đại lý thu đổi ngoại tệ chỉ có thể hiện thực khi có điều kiện chuyển tiếp, tức ngân hàng phải là nơi bán ngoại tệ cho người dân có nhu cầu chính đáng, chứ không phải chỉ mua.

Thêm một lần nữa, vấn đề chênh lệch tỷ giá chính thức - chợ đen lại được đặt ra. Đã có thời điểm tỷ giá thị trường tự do thấp hơn tỷ giá do NHNN công bố, ai đến ngân hàng mua đô la cũng được chẳng cần phải giấy tờ chứng minh nhu cầu mua để làm gì. Khi đó để bán được ngoại tệ cho ngân hàng, người bán còn phải trả phí.

Vì thế, các biện pháp quản lý, xét cho cùng phải dựa trên diễn biến tỷ giá. Các bàn, đại lý thu đổi ngoại tệ sẽ dần dần tự dẹp tiệm trong trường hợp chênh lệch tỷ giá trong - ngoài ngân hàng không còn.

Theo Lưu Hảo
TBKTSG