1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đại hội cổ đông Eximbank: Chứng kiến văn hoá “chất vấn” của nhà giàu

(Dân trí) - Sau lần 1 thất bại, nhiều người nghĩ “đầu xuôi thì đuôi sẽ lọt”, nhưng cuối cùng Đại hội cổ đông thường niên lần 2 của Eximbank vẫn diễn ra không thành công. Điều đọng lại của nhiều người, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài chính là những lời đả phá, miệt thị nhiều hơn là tinh thần xây dựng vì sự phát triển của ngân hàng.

Cổ đông “phá” đại hội

Ngày 24/5 vừa qua, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã tiến hành Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2016 lần thứ 2. Xuyên suốt buổi đại hội là hình ảnh những cổ đông lớn tiếng, nặng lời, thậm chí sỉ vả các thành viên chủ tọa đoàn. Không ít cổ đông nháo nhào lên trên để “ăn thua đủ”, “cướp diễn đàn” - một hình ảnh rất xấu về văn hóa đại hội cổ đông và cũng làm xấu đi hình ảnh của người Việt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong phần quy chế đại hội, cổ đông không chấp nhận chủ tọa đoàn 5 người. Để “hạ hỏa”, 2 đại diện cho cổ đông chiến lược ngân hàng SMBC Nhật Bản và Vietcombank đã phải rời ghế chủ tọa nhưng các cổ đông vẫn không ngừng lớn tiếng. Bức xúc vì cổ đông ngồi sau có lời nói và thái độ không đẹp, cổ đông phía trước quay xuống nhắc nhở thì ngay lập tức bị dọa “choảng nhau”.

Cổ đông tràn ngập lên bàn chủ tọa
Cổ đông tràn ngập lên bàn chủ tọa

Theo quan sát của chúng tôi, đáng chú ý là hình ảnh một thành viên trong HĐQT cũ của Eximbank và cũng là cố vấn cao cấp của HĐQT mới, cũng lên trên sân khấu vừa trấn an cổ đông, nhưng quay sang lớn tiếng phê phán HĐQT hiện tại làm cho đại hội vốn đã “căng” lại càng “căng” thêm. Trong khi cổ đông của Eximbank có các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản nhưng tại đại hội một cổ đông nữ lớn tiếng nói: “Người Nhật đâu có ngu. Làm ăn với họ phải cẩn trọng”.

Đại hội “sôi” đến mức ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank, đại diện chủ toạ đoàn đã nhiều lần ôn tồn trả lời những chất vấn của cổ đông và cũng nhiều lần xin lỗi các cổ đông vì đại hội không diễn ra ôn hòa như mong muốn. Đây cũng là điều cần vì lợi ích chung của đại hội, vì quyền lợi của gần 700 con người khác đang có mặt trong đại hội.

Lo sợ “vỡ trận”, một cụ ông 80 tuổi, là cổ đông sáng lập của Eximbank phải bước lên trên sân khấu khuyên các cổ đông bình tĩnh. “Chúng tôi là những người sáng lập đầu tiên của Eximbank. 32 lần đại hội cổ đông tôi đều tham gia đầy đủ nhưng chưa bao giờ tôi thấy có một ĐHCĐ nào mất trật tự như thế này. Quá nhiều tồn đọng và mới có 4 tháng thì làm sao HĐQT đủ thời gian để giải quyết những hậu quả trước đây. Tôi hoàn toàn không đồng ý với cách hành xử như vậy của các cháu. Thử xem nếu báo chí nước ngoài nhìn vào mà họ đăng tải thì hình ảnh người Việt xấu lắm quý vị ạ”, cổ đông này nói.

Chưa hết, một cụ bà 83 tuổi, ít nhất hai lần tay run run cầm micro nói: “Tôi không được học đại học nhưng tôi chưa bao giờ hành xử kém văn hoá như vậy. Tôi chưa bao giờ bước lên chủ toạ đoàn nếu không được phép. Chủ toạ đã ôn tồn cố gắng kiềm chế để đại hội tiếp tục nhưng mọi người vẫn nhao nhao và gây khó khăn cho đại hội, gây mất thời gian cho mọi người”. Cụ bà khuyên mọi người hãy khoan vì lợi ích riêng của mình mà tôn trọng 700 con người đang có mặt trong đại hội và hơn hết là 6.000 lao động của Eximbank.

Cổ đông này thường xuyên lên sát bàn chủ tọa để phản ứng
Cổ đông này thường xuyên lên sát bàn chủ tọa để phản ứng

Cổ đông Đặng Hoàng Nam, mã cổ phiếu có số cuối 1500 cho biết, đại hội ngày 24/5 có những thành phần phá hoại hơn là xây dựng. “Là cổ đông sáng lập ngân hàng, tôi đề nghị HĐQT và ban điều hành phải vững tay chèo, lèo lái đưa Eximbank đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần giữ vững hệ thống tín dụng quốc gia và làm cho ngân hàng thực sự là xương sống của nhà nước, tạo dựng uy tín ngân hàng Việt Nam với thế giới”, ông Nam nói.

Hình ảnh xấu thời hội nhập

Trao đổi sau đại hội, ông Ngô Thanh Tùng cho biết, ông buồn có một số cá nhân quá hung hăng, miệt thị vô căn cứ mà không nghĩ đến hình ảnh, thương hiệu của Eximbank. “Những người quá khích toàn là mới vô chứ không phải cổ đông sáng lập. HĐQT hoạt động luôn phải tuân thủ pháp luật, tôi thấy thương hàng trăm con người, thương các cổ đông sáng lập, cổ đông lớn tuổi. Những vị bô lão dành đồng lương hưu để đầu tư và họ mong mỏi Eximbank ổn định để họ có tiền. Họ sống chủ yếu nhờ khoản thu cổ tức”, ông Tùng nói.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình của Eximbank hiện rất đáng quan ngại khi cổ đông không những không có tiếng nói chung để đưa ngân hàng này đi vào ổn định mà còn có nhóm cổ đông đang cố tình không hợp tác. Ở đại hội lần 1 thì nhóm cổ đông lớn không tham dự. Đại hội lần 2, dù tham dự đầy đủ nhưng nhóm cổ đông này có cái gì đó “không bình thường”, thiếu tinh thần mình vì mọi người. Nhiều cổ đông không chịu nghe vào các kế hoạch kinh doanh do ban giám đốc trình bày.

Tại đại hội, trước sự hỗn loạn, những nhà đầu tư Nhật Bản vẫn ngồi yên theo dõi và ghi chép khá nghiêm túc. Thỉnh thoảng, họ chỉ lắc đầu ngao ngán khi thấy các cổ đông lên “cướp diễn đàn”.

Lực lượng bảo vệ đại hội phải vào can thiệp với những hành động quá khích
Lực lượng bảo vệ đại hội phải vào can thiệp với những hành động quá khích

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính cho rằng, cần xây dựng văn hóa ĐHCĐ sao cho tích cực, hiệu quả và hành xử đẹp chứ như ĐHCĐ của Eximbank sẽ để lại hình ảnh xấu là người Việt thiếu kiềm chế, hành xử thiếu văn hóa. Đừng để no mất ngon, giận mất khôn.

Một chuyên gia Tư vấn chiến lược nguyên là Giám đốc vùng của Công ty Coca-Cola, đã có 7 năm làm việc tại nước ngoài cho rằng: Trong một doanh nghiệp, khác biệt quan điểm là hết sức bình thường, do vậy việc xây dựng cho chúng ta “văn hoá chất vấn” mang tính xây dựng là rất quan trọng.

“Hôm ĐHCĐ Eximbank có nhiều người Nhật. Họ nghĩ gì về Việt Nam khi chứng kiến các cổ đông gây rối. Hình ảnh người Việt Nam bị tổn thương. TPP đã gõ cửa, đất nước hội nhập mà tư duy này thì việc vươn ra biển lớn làm ăn sẽ càng trở nên khó khăn”, chuyên gia này chia sẻ.

Nếu như hôm 24/5, Tổng thống Barack Obama không đến lưu trú tại khách sạn InterContinental và điệp vụ Mỹ liên tục vào yêu cầu hoàn trả mặt bằng để đảm bảo an ninh thì đại hội Eximbank cũng sẽ khó có hồi kết.

Tôi nhớ Tổng thống Barack Obama đã nói câu rất hay: “Việt Nam và Mỹ là 2 quốc gia khác nhau. Chúng ta có nền văn hoá, truyền thống, địa lý khác nhau thì đương nhiên chúng ta có quan điểm khác nhau nhưng cái quan trọng là chúng ta ngồi lại và đối thoại”. Thiết nghĩ, cổ đông Eximbank nên thấm thía câu nói này!

Công Quang

Đại hội cổ đông Eximbank: Chứng kiến văn hoá “chất vấn” của nhà giàu - 4