Đại gia Việt: Người làm xăng giả, kẻ cướp ngân hàng

(Dân trí) - Nhiều đại gia, chủ doanh nghiệp bị bắt vì hành vi sản xuất xăng giả, hay trộm cắp là thông tin đáng chú ý về đời sống doanh nhân tuần qua.

Đại gia Sướng sản xuất, kinh doanh xăng giả thế nào?

Tuần qua, Công anh tỉnh Đắk Nông đã kết thúc điều tra chuyển Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố 39 bị can về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" do đại gia Trịnh Sướng cầm đầu.

Quá trình điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông xác định, đại gia Trịnh Sướng chỉ đạo, điều hành hoạt động của Công ty TNHH Gia Thành và sở hữu 75% cổ phần (do con trai là Trịnh Thành Hưng đứng tên) của Công ty cổ phần thương mại hóa dầu Ressol.

Đại gia Việt: Người làm xăng giả, kẻ cướp ngân hàng - 1

Đại gia Trịnh Sướng

Trong quá trình kinh doanh xăng dầu, đại gia Trịnh Sướng đã biết được cách sản xuất xăng bằng cách pha chế dung môi với xăng nền, hóa chất tăng RON và hỗn hợp màu Azo để tạo thành xăng A95, E5 RON 92 giả.

Từ đó, đầu tháng 1/2017 đến ngày 30/5/2019, đại gia Trịnh Sướng đã chi hơn 2.000 tỷ đồng mua hàng trăm triệu lít dung môi, hóa chất các loại. Với số dung môi này, đại gia Trịnh Sướng cùng các bị can đã tổ chức pha chế, sản xuất ra hơn 137 triệu lít xăng và gần 1,6 triệu lít dầu DO giả. Tổng số lượng hàng giả tương đương với số lượng hàng thật trị giá hơn 2.500 tỷ đồng.

Toàn bộ số hàng giả này đại gia Trịnh Sướng đã bán ra thị trường gần hết thông qua 337 cửa hàng, thu lợi bất chính hơn 107 tỷ đồng. Để che giấu doanh số bán ra, đại gia Trịnh Sướng đã thuê người chỉnh đồng hồ đếm tổng của trụ bơm nhằm cân đối đầu vào, đầu ra.

Đại gia Trần Đình Long gây “sốc”

Trong khi nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì Hoà Phát của đại gia Trần Đình Long gây “sốc” vì tăng mạnh doanh thu và gặt lãi hàng nghìn tỷ đồng. 

Theo báo cáo tài chính mà công ty này công bố, Hoà Phát đạt 20.422 tỷ đồng, tăng 35% so cùng kỳ và lãi trước thuế 3.096 tỷ đồng (tăng 25%), lãi sau thuế 2.756 tỷ đồng (tăng 34%), lãi ròng lên tới 2.743 tỷ đồng, tăng 35% trong quý 2.

Doanh thu vị đại gia này tăng mạnh là bởi, cổ phiếu HPG của Hoà Phát thời gian gần đây được giao dịch rất sôi động, thường xuyên dẫn đầu thị trường về thanh khoản.

Giám đốc đi cướp ngân

Đã từng là Tổng Giám đốc công ty chuyển phát nhanh GNN Express, nhưng đã bị giải thể từ năm 2018, nghi phạm Hoàng Ngọc (Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) cũng là chủ mưu một vụ cướp ngân hàng.

Chi nhánh ngân hàng mà Ngọc và đồng phạm cướp cùng toà nhà với văn phòng mà đối tượng đã thuê khi GNN Express còn hoạt động.

Trước khi đi cướp, Công ty chuyển phát nhanh GNN Express tiền thân là Công ty CP Dịch vụ Gió Nam. Năm 2017, sau khi dừng hợp tác với một đối tác lớn, GNN bắt đầu mất cân đối thu chi, dẫn đến việc phải sống bằng tiền thu hộ từ dịch vụ COD của khách.

Ngoài việc lạm dụng 5,5 tỷ đồng tiền COD, công ty này còn nợ ngân hàng khoản vay mua 6 ô tô, vay tín chấp 1,7 tỷ đồng, nợ người thân, bạn bè 3,5 tỷ đồng, nợ đối tác gửi hàng hàng không 1 tỷ đồng, nợ lương của người lao động 700 triệu đồng và nợ bảo hiểm xã hội 200 triệu đồng.

Chủ tịch đi Mercedes ăn trộm linh kiện máy tính

Tại Thuận Thành (Bắc Ninh), giám đốc một công ty máy tính tại Hà Nội, đi xe sang Mercedes GLC, đã viết biên bản thừa nhận hành vi ăn cắp card máy tính với số lượng lớn.

Theo đó, trong khi đi mua số lượng lớn linh kiện máy vi tính và card xử lý đồ họa máy vi tính đã qua sử dụng, C đã nhiều lần lợi dụng sơ hở của nhân viên quản lý kho chứa linh kiện để cùng một đồng phạm khác trộm cắp card màn hình cho lên ô tô Mercedes GLC.

Trước những bằng chứng từ camera an ninh đặt trong kho ghi lại, C. đã viết giấy thừa nhận đã ăn cắp số lượng lớn card màn hình.

Số phận khối tài sản 40.000 tỷ đồng trong tay bầu Đức

Tại ngày 30/6/2020, HAG có 40.317,6 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 1.685 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó, giá trị tài sản ngắn hạn tăng 741 tỷ đồng lên 7.815 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của HAG vẫn thấp hơn nợ ngắn hạn của công ty này tại cùng thời điểm. Đến cuối tháng 6, nợ ngắn hạn của HAG là 9.227,1 tỷ đồng trong tổng số 24.339,7 tỷ đồng tổng nợ phải trả.

Nêu thông điệp với cổ đông tại báo cáo thường niên mới phát hành ít tháng trước, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cho biết, cuối năm 2019 sang đầu năm 2020, dịch Covid-19 xuất hiện đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, từ nguồn lao động cho đến nguồn cung ứng vật tư, thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ…

Trong bối cảnh tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp và khó đoán được thời điểm kết thúc, bầu Đức cho hay, tồn tại và duy trì khối tài sản to lớn của cổ đông là mục tiêu tối thượng trong năm 2020.