"Đại gia" Singapore nhăm nhe thị trường gọi xe Việt với lời đe “quét sạch” doanh nghiệp nội?

(Dân trí) - Tại cuộc tọa đàm "Khởi nghiệp thừoi 4.0: Dễ hay khó", sau lễ ra mắt ứng dụng gọi xe thuần Việt – Be sáng nay (13/12), chuyên gia Lê Xuân Nghĩa tiết lộ việc một doanh nghiệp Singapore đang có ý định nhăm nhe thị trường gọi xe Việt Nam. Với tiềm lực lớn mạnh, doanh nghiệp này tự tin cho rằng khi họ đã nhảy vào thì sớm muộn sẽ “quét sạch” các doanh nghiệp Việt cùng lĩnh vực.

Buổi toạ đàm với chủ đề “Khởi nghiệp thời 4.0: Dễ hay khó?” cùng sự tham gia của CEO be và các chuyên gia kinh tế.
Buổi toạ đàm với chủ đề “Khởi nghiệp thời 4.0: Dễ hay khó?” cùng sự tham gia của CEO be và các chuyên gia kinh tế.

Thị trường ứng dụng gọi xe - cuộc cạnh tranh khốc liệt

Ứng dụng gọi xe “be”, mô hình hình kinh doanh vận tải với nhiều điểm khác biệt cùng số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng vừa chính thức ra mắt tại Hà Nội sáng 13/12.

Hai dịch vụ chính mà Be sẽ ra mắt thị trường trong năm 2018 là beBike và beCar. Ông Trần Thanh Hải – người vũ của VNG đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc của ứng dụng gọi xe này.

Ngay sau màn ra mắt của hãng này, ban tổ chức đã tiến hành buổi toạ đàm với chủ đề “Khởi nghiệp thời 4.0: Dễ hay khó?” cùng sự tham gia của CEO be và các chuyên gia kinh tế.

Tại buổi toạ đàm, TS. Lê Xuân Nghĩa tiết lộ cách đây khoảng một tuần, ông có cuộc gặp mặt một doanh nghiệp đến từ Singapore, đáng lưu ý, doanh nghiệp này đang có ý định nhảy vào thị trường Việt Nam.

Theo lời kể của ông Nghĩa, doanh nghiệp Singapore này khá thận trọng, lặng lẽ quan sát cách Chính phủ Việt Nam hành xử với Grab cũng như việc tạo ra khung chính sách lâu dài đối với mô hình mới này.

“Họ nói, “Chúng tôi đang trông chừng sau đó mới nhảy vào, Khi nhảy vào sẽ quét sạch doanh nghiệp việt trong lĩnh vực này””, ông Nghĩa dẫn lại lời chia sẻ cực kỳ tự tin của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên theo ông Nghĩa, đây là một doanh nghiệp có tiềm lực và viễn cảnh trên có thể xảy ra nếu Việt Nam để thời gian “sài đẹn” của thời kỳ công nghệ kéo dài.

“Làm thế nào để doanh nghiệp Việt như be lớn nhanh, lớn mạnh. Bởi không lớn được nhanh cũng sẽ đồng nghĩa với việc ngắc ngoải rồi chết. Cuộc chiến của anh Hải sắp tới là gian nan lắm. Đối thủ của anh rất nhiều và họ cũng có nhiều lợi thế”, ông Nghĩa đưa ra lời cảnh báo với CEO BE Group Trần Thanh Hải.

Nhận định thị trường ứng dụng gọi xe có mức độ cạnh tranh cực kỳ gay gắt, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng ngoài thực lực của chính doanh nghiệp thì cũng cần đề cập tới vai trò của nhà nước.

Quan điểm của ông Nghĩa là cần có sự “bảo hộ” của Chính phủ trong nền kinh tế. Theo vị này, các nước khác trên thế giới cũng đều có sự bảo hộ ở mức độ nhất định đối với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho biết nếu có thì các chính sách này cũng cần phải khôn khéo, thông minh, làm sao để đẩy mạnh sự phát triển được khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo tự do cạnh tranh.

Be: "Chúng tôi là công ty kinh doanh vận tải"

Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải – Tổng giám đốc be tỏ ra khá tự tin, đồng thời đặt nhiều kỳ vọng vào ứng dụng mới ra mắt – be.

Vị này tin tưởng với những điểm khác biệt của be sẽ tạo nên sức hút đối với thị trường. Đồng thời với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng cùng nhiều anh tài hội tụ, người đứng đầu be cho biết, họ tự tin đủ sức để cạnh tranh trên thị trường khốc liệt này.

Đáng lưu ý, cũng kinh doanh mô hình ứng dụng gọi xe với hai dịch vụ ra mắt đầu tiên là beBike, beCar như Grab, tuy nhiên CEO be không phủ nhận việc mình là công ty vận tải.

Ông Hải chia sẻ thẳng thắn: Rõ ràng đây là dịch vụ vận tải, còn công nghệ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm, hiệu quả và mang lại thuận lợi cho người dùng hơn. Cũng không phải anh là công ty công nghệ thì mới là công ty 4.0.

“Có ai đó nói những doanh nghiệp hoạt động như này là một công ty vận tải là đi ngược lại cuộc cách mạnh 4.0 thì không phải bởi rõ ràng, chúng tôi đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ nhưng điều này không thay đổi việc chúng tôi là nhà cung cấp dịch vụ vận tải”, ông Hải nói.

Một điểm khác biệt nữa ông Hải đề cập, đó là be là ứng dụng thuần Việt, xuất phát từ chính con người Việt, lấy tài xế làm gốc. “Nhìn anh em tài xế bị đối xử không được công bằng lắm trong môi trường khác, chúng tôi đã nghĩ: Tại sao không vừa cố gắng kiếm được tiền vừa tạo được giá trị cho xã hội?”.

“Chúng tôi nhắm tới các anh em tài xế chuyên nghiệp, chúng tôi sẽ đầu tư đào tạo, có chế độ tốt để làm sao cho họ có môi trường ổn định nhất", ông Hải nói.

CEO BE chia sẻ thêm, khởi nghiệp vốn vô vàn khó khăn, dù đó là thời kỳ 1.0 hay 4.0. Mặc dù vậy, với kinh nghiệm một người có vài chục năm làm khởi nghiệp và gây dựng được những thành công đáng kể, ông Hải cho biết dù khó rất khó nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm được nếu cùng đồng lòng để làm.

Kết thúc buổi toạ đàm, Tổng giám đốc BE đã đưa ra một thông điệp khá thú vị. Ông Hải nói không kỳ vọng người tiêu dùng sử dụng be vì be đơn thuần là “hàng Việt” bởi bất kỳ sản phẩm dịch vụ nào khi sử dụng cũng cần được đặt chất lượng hàng đầu. Tuy nhiên, nếu có thể thì hãy dùng thử, hãy trải nghiệm be vì như một cách trao cơ hội cho những doanh nghiệp Việt như be.

Nguyễn Khánh

"Đại gia" Singapore nhăm nhe thị trường gọi xe Việt với lời đe “quét sạch” doanh nghiệp nội? - 2