"Đại gia" nước ngoài xếp hàng mua nợ xấu Việt Nam
(Dân trí) - “VAMC mới ra đời hơn một tháng nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đã chờ ở cửa, xếp hàng để mua nợ xấu của Việt Nam, nhiều hơn cả mong đợi của chúng ta. Trong số đó, có những nhà đầu tư lớn của thế giới như Blackstone Group”, TS.Lê Xuân Nghĩa nói.
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Chuyển động kinh tế vĩ mô và triển vọng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam” do BIDV tổ chức ngày 9/10, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành viên Ban cố vấn của Chính phủ cho biết:
Đặt Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) ở Ngân hàng Trung ương không phải là ngẫu nhiên, tùy hứng mà đã có các nghiên cứu, tính toán rất kỹ lưỡng. VAMC sẽ minh bạch hóa việc mua bán nợ xấu, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận dễ dàng và công ty này sẽ có điều kiện để xử lý độc lập, minh bạch các khoản nợ xấu.
Nói về sự ra đời chậm của VAMC, theo TS.Lê Xuân Nghĩa là do trước đó có nhiều sự không đồng thuận về việc xử lý nợ xấu, việc dùng nguồn tiền nào để mua nợ xấu, cũng như không có sự đồng thuận trong quyết định dùng VAMC hay không có VAMC.
“Nhưng tôi cho rằng trong bối cảnh không đồng thuận như vậy mà ra đời được VAMC như hiện tại là một nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Trung ương và các bên liên quan”, TS.Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nghĩa, khi lên phương án xử lý nợ, điều Chính phủ lo ngại nhất là thị trường nợ xấu không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Nhưng ngược lại, dù mới ra đời hơn một tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã vào rất nhiều, nhiều hơn chúng ta mong đợi. Thậm chí có những tập đoàn tài chính lớn như Black Stone, chưa bao giờ xuất hiện ở Việt Nam vì không có hợp đồng nào đủ lớn để họ tham gia, nay cũng muốn mua nợ xấu từ VAMC.
Theo lời của TS.Lê Xuân Nghĩa, đại diện của Black Stone hy vọng thời điểm này có thể mua được “món hàng” có giá trên 1 tỷ USD. Và theo tiết lộ của TS.Lê Xuân Nghĩa, hiện không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài xếp hàng chờ mua nợ, mà các ngân hàng trong nước cũng xếp hàng chờ bán nợ cho VAMC. “Chúng tôi dự kiến từ nay đến cuối năm không chỉ 30.000 tỷ đồng, nếu không lo ngại về lạm phát thì VAMC có thể mua tới 50.000 tỷ - 60.000 tỷ nợ xấu từ các ngân hàng thương mại”, TS.Nghĩa nói.
Môi trường pháp lý nhiều thách thức
Đề cập tới công việc hiện nay của VAMC, TS. Lê Xuân Nghĩa ví công ty này như một người “mua ve chai, vừa đi gom hàng, vừa phân loại và hoàn thành thêm các thủ tục pháp lý cần thiết”.
Trước thực tế số lượng ngân hàng thương mại đăng ký bán nợ và số lượng nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua nợ rất nhiều, VAMC đang gặp khó khăn trước “năng lực thể chế có hạn và nguồn lực chỉ có 50 người”. Ngoài ra, số tiền mà Ngân hàng trung ương cho phép cũng có hạn, chỉ khoảng 30.000 tỷ - 35.000 tỷ từ nay đến cuối năm.
“Mục đích của VAMC là làm sạch bảng cân đối của các ngân hàng thương mại càng nhanh càng tốt. Chúng ta mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, nó có thể ảnh hưởng nhất định đến chính sách tiền tệ nên VAMC sẽ cân nhắc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để xem xét tốc độ mua như thế nào để vừa thỏa mãn nhu cầu lớn của khách hàng mua, đặc biệt là khách hàng quốc tế lại vừa không gây ra hiệu ứng lạm phát. Đó là một bài toán tối ưu mà Ngân hàng Trung ương và VAMC cần phải cân nhắc”, ông Nghĩa cho hay.
Nói về những vướng mắc hiện nay, TS.Nghĩa cho rằng, vấn đề khiến nhà đầu tư nước ngoài lo ngại nhất khi mua nợ xấu của Việt Nam là thủ tục. “Tôi đã hỏi 16 đoàn nhà đầu tư nước ngoài vào tìm hiểu thị trường Việt Nam, họ đều khẳng định, điều mà nhà đầu tư mong mỏi nhất là thủ tục mua nợ và bán nợ phải triển khai thật nhanh”.
Thừa nhận các khoản nợ xấu của Việt Nam hiện nay rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng theo ông Simon Andrew, Giám đốc IFC khu vực Campuchia, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam, các nhà đầu tư cũng đang vướng mắc bởi một số quy định pháp lý.
“Các nhà đầu tư và các công ty xử lý nợ xấu nước ngoài rất quan tâm đến nợ xấu Việt Nam, song môi trường pháp lý của Việt Nam còn nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất với các nhà đầu tư là không thể sở hữu được đất đai ở Việt Nam. Họ không thể mua được một khoản nợ mà không có quyền với tài sản thế chấp đi kèm nó. Ví dụ nếu tôi muốn mua một khoản nợ xấu, hiện chưa rõ quyền đi kèm với khoản vay đó của tôi như thế nào, mức độ chắc chắn của pháp lý là điều quan trọng nhất”, ông Simon nhấn mạnh.
Cùng nói về khung pháp lý xử lý nợ xấu, PGS.TS Phan Thị Thu Hà (Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng: “Nếu Nhà nước ban hành khung pháp lý để nhà đầu tư nước ngoài mua lại nợ xấu thì các ngân hàng cũng bán được nợ mà không cần phải qua VAMC”.
Số liệu thống kê do bà Hà cung cấp cho thấy, nợ xấu của Việt Nam ước khoảng 10% GDP, tập trung vào các ngân hàng thương mại nhà nước. Trong 256.000 tỷ đồng nợ xấu, phần lớn đọng trong các dự án bất động sản, hàng tồn kho, trong máy móc thiết bị và phần khác đã bị “bốc hơi” cùng với khách hàng vốn là các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế… Đó là tổn thất của các ngân hàng và qua ngân hàng, toàn xã hội phải gánh chịu!
Nguyễn Hiền