Đại gia ngân hàng thâu tóm doanh nghiệp để trừ nợ

Không chỉ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đang tung tiền thâu tóm các doanh nghiệp nội, các ngân hàng cũng đang trở thành người đi thâu tóm các DN khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, không ít trong số đó là những vụ thâu tóm cưỡng bức để trừ nợ.

Chuyển hết cho ngân hàng

 

Mấy ngày gần đây, trên thị trường đang xôn xao thông tin về công ty con của tập đoàn BĐS và tài chính mua lại hơn 90% cổ phần của một DN đang sở hữu tòa nhà ở trung tâm Hoàn Kiếm – Hà Nội. Thông tin này càng được quan tâm hơn khi công ty này là một thương hiệu mới nổi trong kinh doanh khách sạn. Còn tập đoàn mẹ nổi tiếng là một đơn vị kinh doanh BĐS và đầu tư tài chính khi đang sở hữu một ngân hàng cổ phần lớn.

 

Trước đó, thông tin trên thị trường cũng đồn đoán về việc ngân hàng này thực hiện việc thu nợ từ DN BĐS bằng cách “lấy sản phẩm” khi chuyển một phần món nợ của mình sang lấy các sàn văn phòng trong dự án mà mình cho vay vốn để làm trụ sở.
 
Đại gia ngân hàng thâu tóm doanh nghiệp để trừ nợ

 

Câu chuyện thâu tóm, mua bán DN các ngân hàng đình đám nhất năm qua phải kể đến chuyện SHB và nhóm các ngân hàng khác chuyển nợ thành vốn góp để giải cứu Bianfishco. Sau thời gian khủng hoảng, đến cuối 2012, Bianfishco đã ra mắt một đội lãnh đạo mới, chấm dứt sự vai trò của gia đình bà Diệu Hiền – người sáng lập ra Bianfishco. DN này từ nay đã chuyển qua cho các ông chủ ngân hàng để “trừ” khoản nợ hàng ngàn tỷ của DN.

 

Bianfishco vốn là một DN mạnh của thủy sản Việt Nam bị khủng hoảng khi mặc nợ 1.886 tỷ đồng, lỗ hơn 834 tỷ đồng. Sự việc càng thêm bức xúc khi DN bi nông dân bao vây, tụ tập đòi khoản nợ mua cá gần 300 tỷ đồng. Trong khi đó, người chủ thực sự của nó – bà Diệu Hiện bệnh trọng phải ra nước ngoài chạy chữa.

 

Đứng trước nguy cơ DN phá sản, ngân hàng sẽ mất đi khoản tiền cho vay hàng ngàn tỷ đồng, SHB cùng các ngân hàng cho vay và DATC đã vào cuộc lên phương án tái cấu trúc. Các khoản nợ đã được chuyển thành vốn góp. Trong đó, SHB đã trở thành cổ đông sáng lập với quyền việc nắm giữ hơn 50% cổ phần. Bầu Hiển và các thân tín của mình đã thay thế nhà đại gia Diệu Hiền.

 

Với kế hoạch này, SHB đã thực hiện một cuộc thâu tóm ngoài mong muốn vừa xử lý của món nợ xấu nhưng qua đó một DN thủy sản lớn. Nhưng điều may mắn là hoạt động của DN này còn mang lại một dòng tiền lớn cho các ngân hàng cổ đông trong năm 2013.

 

Cũng tương tự, 7 ngân hàng khác cũng đã “chia xác” đại gia thủy sản Phương Nam để trừ nợ. Theo đó, các ngân hàng đã ngồi lại để chia phần và tìm cách tái cấu trúc DN thủy sản với các khoản vay không có khả năng thanh toán lên đến cả ngàn tỷ đồng

 

Cụ thể, bên cạnh các ngân hàng cho vay ít, có những phương án xử lý tài sản đề thu nợ thì Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, dư nợ trên 328 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín tại Sóc Trăng, dư nợ gần 147 tỷ đồng và Ngân hàng An Binh sẽ tham giá tái cấu trúc theo hướng góp vốn vào Công ty Phương Nam bằng hình thức chuyển nợ thành vốn góp.

 

Ông chủ trước đó của Phương Nam – Đại gia Thủy sản Lâm Ngọc Khuân đã cùng gia đình đi ra nước ngoài không còn một cổ phần nào trong DN này.

 

Việc chuyển nợ thành vốn cổ phần thực tế đã có những tiền lệ khi đã có những thành công trong việc “giảm nợ tăng vốn” tại Sadico Cần Thơ (SDG), Mía đường Kon Tum (KTS)… với các món nợ xấu đã được loại bỏ và bắt đầu ổn định hoạt động và kinh doanh có lãi.

 

Năm 2006 quá trình cổ phần hóa của SDG gặp nhiều khó khăn do mất cân đối tài chính trầm trọng bởi kinh doanh thua lỗ và gánh nặng nợ nần. DATC đã vào cuộc bằng cách mua nợ xấu ngân hàng để xử lý tồn tại tài chính gắn với tái cơ cấu, DATC sở hữu 51% theo cơ chế chuyển nợ thành vốn góp. Tương tự, Công ty cổ phần Mía đường Kon Tum (KTS: HNX) làm ăn không hiệu quả đã được tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu từ tháng 7/2008 thông qua mua bán và chuyển đổi nợ.

 

Cấn nợ: Lợi thì có lợi…?

 

Trước Bianfishco, một doanh nghiệp trong lĩnh vực cà phê cũng do vay nợ ngắn hạn quá hạn không có khả năng trả đã phải chuyển nguyên trạng vài trăm hec-ta cà phê cho chủ nợ và sau đó được bán lại cho một doanh nghiệp lớn khác.

 

Hiện tượng, bán dự án, bán doanh nghiệp cho các đối tác khác diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, ngân hàng thông thường là người cầm đằng chuôi trong các vụ M&A dạng này và do vậy có thể ép giá mua lại dự án, DN ở mức giá rất thấp sau đó chờ thị trường ấm lên để bán ra. Và ở vào thời buổi khó khăn, những đại gia có tiền, cầm tiền rất dễ dàng lựa chọn cho mình những miếng bánh cực ngon để mua lại, hoặc/và lấy về cho mình thông qua hình thức cấn nợ.

 

Xét về mặt này, với tầm nhìn dài hạn, khả năng vốn trường kỳ của ngân hàng, tiềm năng và lợi thế lâu dài của dự án, các thương vụ M&A mà các ngân hàng thực hiện dường như là “chắc thắng”.

 

 Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng vậy.
 
Đại gia ngân hàng thâu tóm doanh nghiệp để trừ nợ

 

Trong trường hợp Bianfishco, tái cơ cấu được đánh giá là thành công. Mặc dù vậy, đó là xét về phía con nợ. Với chủ nợ, mà ở đây là SHB, thương vụ này xem ra là để giải quyết hậu quả nhiều hơn là một chủ ý thâu tóm. Thương vụ M&A đầu đã xuôi nhưng để đuôi lọt thì còn phải chờ vì Bianfishco cần phải kinh doanh có lãi và lãi nhiều, trong một thời gian dài thì các ông chủ mới có thể hồi vốn.

 

Đánh giá về tình hình kinh doanh năm nay, rất nhiều chuyên gia cho rằng các DN sẽ còn gặp khó và tình trạng đổ vỡ, phá sản có thể còn diễn ra mạnh hơn năm vừa qua - khoảng thời gian mà rất nhiều nhà xưởng, cao ốc, biệt thự, nhà phố và cả các khách sạn 3-4 sao… được ngân hàng chào bán tại sàn giao dịch BĐS nhằm giải quyết nợ xấu.

 

Tình trạng cấn nợ hay phát mại diễn ra khá phổ biến vào thời điểm cuối năm 2012 và có thể còn tiếp diễn. Tuy nhiên, cấn nợ hay phát mại không phải lúc nào cũng thành công. Nhiều ngân hàng không đánh giá được hết mức độ “bong bóng” của thị trường BĐS vừa qua và đây là lý do khiến các tài sản thế chấp hiện (hoặc trong tương lai) thấp hơn nhiều so với các khoản nợ.

 

Trên thực tế, trong nhiều năm qua, các ngân hàng đã quá dễ dãi trong việc cho vay, đặc biệt là cho vay các dự án BĐS. Hiện tượng M&A có yếu tố ngân hàng trong thời gian gần đây có lẽ liên quan tới việc giải quyết hậu quả của một thời tín dụng nóng, tăng trưởng nóng. Thậm chí, hiện tượng ngân hàng tranh thủ lúc DN khó khăn để thâu tóm, bắt chẹt, để DN chết từ từ trên đống nợ lớn, lãi cao giảm chậm… là chuyện không hiếm.

 

Theo Mạnh Hà

VEF