Đại gia Khải Silk gian lận bán khăn Trung Quốc, bầu Đức bán đất trả nợ
(Dân trí) - Câu chuyện khăn lụa của KhaiSilk “hét giá” gấp chục lần nhưng thực ra lại là khăn của Trung Quốc gán mác “Made in Vietnam” khiến cho dư luận tức giận, mất niềm tin đang là sự kiện nóng nhất tuần qua.
Khải Silk - đại gia bạc tỷ và scandal bán khăn Trung Quốc
Khải Silk xuất phát điểm là một cửa hàng thêu nhỏ của gia đình ở phố Hàng Gai, Hà Nội. Sau đó, cửa hàng chuyển sang bán các mặt hàng lưu niệm làm từ lụa.
Ông Khải từ nhỏ học đàn ở Nhạc viện Hà Nội. Tình cờ, trong một dịp ra nước ngoài, ông Khải nảy sinh ý tưởng muốn xây dựng cửa hàng tơ lụa của gia đình trở nên bài bản, sang trọng như ở Singapore, Thái Lan. Đến năm 25 tuổi, ông bỏ học tại Nhạc viện Hà Nội, chính thức thành lập cửa hàng Khaisilk.
Tuy nhiên, sai lầm khi đã bán hàng Trung Quốc mạo danh lụa Việt của Khaisilk đã khiến mọi thứ sụp đổ. Ông Hoàng Khải phải cúi đầu xin lỗi khách hàng với tư cách là chủ tịch của Tập đoàn này.
Khẳng định thêm về chất lượng hàng, ông Khải cho rằng, dù là hàng nhập từ Trung Quốc song phía lụa bán tại cửa hàng không phải là sản phẩm kém chất lượng vì phải duyệt kỹ mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập.
Ông Khải cũng cam kết sẽ thu hồi các sản phẩm đã bán ra thị trường có xuất xứ Trung Quốc, nếu khách hàng có mong muốn đổi trả, thương hiệu này sẽ bồi thường cho tất cả khách hàng một cách nghiêm túc.
Giải thích thêm về vấn đề, ông chủ của Khaisilk nhấn mạnh: Mặt hàng lụa là một trong những sản phẩm làm nên thương hiệu nổi tiếng và riêng biệt cho tập đoàn này. Tuy nhiên, do sự phát triển mở rộng sang nhiều lĩnh vực như bất động sản, du lịch, ẩm thực... kinh doanh lụa tơ tằm không được quan tâm, đầu tư, giám sát chặt chẽ nên đã phát sinh hệ lụy thiếu kiểm tra.
Được biết, doanh nghiệp của ông Khải đang bắt đầu tổng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sản phẩm tại các cửa hàng. Ông này thừa nhận, hiện nguồn tơ lụa trong hệ thống của Khaisilk có 50% nhập khẩu và 50% là có nguồn gốc từ các làng nghề tại Việt Nam.
Sự việc xảy ra đã khiến lòng tin của người tiêu dùng vào hàng Việt đang ở mức rất thấp, ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong ngành lụa.
Bầu Đức bán bớt tài sản để trả nợ
Vài năm gần đây, giới đầu tư tiếp tục chứng kiến những hành động và phát biểu gây sốc của Bầu Đức. Gần như toàn bộ tài sản doanh nghiệp và của chính Bầu Đức đều được đem ra cầm cố và bị phong tỏa ở ngân hàng.
Nợ nần quá nhiều khiến Bầu Đức gần đây đã phải bán cả mảng mía đường cho Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành.
Tại ĐHCĐ HAGL Agrico (HNG), một DN con của HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức thậm chí còn cho biết đang xem xét bán đi khoảng 20 ngàn hecta cao su ở Lào và một số đối tác Trung Quốc đã xem xét, đo đạc và nghiên cứu.
Vì thế, HAGL của bầu Đức đang triển khai đồng bộ việc bán tài sản, thu hồi các khoản phải thu, hoán đổi nợ và trái phiếu liên quan đến Temasek trong 9 tháng đầu năm nhằm giảm số dư nợ vay. Bên cạnh đó, HAG sẽ phát hành riêng lẻ để tăng vốn, hoán đổi nợ để tiếp tục tái cấu trúc nợ.
Để góp phần giúp HAGL tái cơ cấu nợ vay, ông Đoàn Nguyên Đức cũng vừa bán 23 triệu cổ phiếu HAG.
Tuy nhiên gần đây, một số mảng nông nghiệp của bầu Đức đã có khởi sắc, nên khối nợ vay khổng lồ của HAGL đã giảm mạnh từ 27,3 ngàn tỷ đồng xuống hiện tại còn 23,1 ngàn tỷ đồng và mục tiêu giảm về dưới 22,3 ngàn tỷ đồng vào cuối năm 2017.
Dự án trồng và bán trái cây ăn qua như chanh, chuối, thanh long… đang góp một phần không nhỏ vào doanh thu của doanh nghiệp này. Trong 9 tháng, mảng trái cây chiếm 32% doanh thu của doanh nghiệp.
Siêu lừa gạ giám đốc vay 3.000 tỷ đồng thế nào?
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội vừa khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Thanh Tùng (40 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm), để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong số nạn nhân của Nguyễn Thanh Tùng có vợ chồng anh Linh, chị Vân (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Họ là chủ doanh nghiệp đang đầu tư một bệnh viện quy mô 600 giường tại Thái Nguyên từ năm 2013 nhưng thiếu vốn nên phải dừng lại.
Biết được nhu cầu, Tùng đã nói với vợ chồng anh Linh rằng có thể giúp vay của World Bank 3.000 tỷ đồng với lãi suất 3%/năm. Tuy nhiên, vợ chồng anh Linh phải đưa cho Tùng 3 tỷ đồng để làm các thủ tục vay.
Cuối tháng 3/2016, doanh nghiệp của anh Linh đã ký hợp đồng dịch vụ vay vốn nước ngoài với Nguyễn Thanh Tùng. Trong hợp đồng, phía Tùng cam kết “bằng khả năng và mối quan hệ của mình sẽ tiến hành các công việc để được Ngân hàng Thế giới cho bên A (doanh nghiệp của vợ chồng anh Linh) được vay vốn với tổng giá trị tối thiểu được giải ngân là 3.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay 3%/năm, thời hạn tối thiểu 20 năm”.
Còn phía doanh nghiệp do anh Linh làm đại diện phải trả cho Tùng “dịch vụ trọn gói” là 6%/tổng số tiền vay, tương đương 180 tỷ đồng (trong đó đưa trước 3 tỷ đồng ngay sau khi ký hợp đồng).
Tùng khai sau khi nhận 3 tỷ của doanh nghiệp đã rút toàn bộ rồi chuyển 2,6 tỷ đồng cho một cá nhân để nhờ lo thủ tục vay tiền. Cơ quan điều tra đến nay xác định đây là lời khai một phía của Tùng, không có giấy tờ chứng minh.
Bà Trương Mỹ Lan người nhà rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam
Bà Trương Mỹ Lan được biết đến là chủ của Vạn Thịnh Phát - một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam có vốn điều lệ từ vài nghìn tỷ tới cả chục nghìn tỷ đồng, sở hữu nhiều bất động sản có giá trị lớn, trong đó phải kể đến 5 dự án/tòa nhà trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, chiếm 1/3 diện tích khu đất “vàng” đắt đỏ nhất TP HCM.
Trước đó, giữa năm 2014, bà Trương Mỹ Lan cùng 9 thành viên khác trong gia đình đồng loạt xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Tuy nhiên sau đó, bà Trương Mỹ Lan cùng 9 thành viên khác trong gia đình đã rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam và được trả hồ sơ vào tháng 6/2015.
Theo nguồn tin thì bà Trương Mỹ Lan và 9 người xin thôi quốc tịch vào ngày 15/5/2014 là thành viên trong một gia đình. Những cá nhân này đều không nêu lý do khi nộp đơn xin rút hồ sơ sau đó.
Thế Hưng