Đãi cát sàn vàng
Chưa chất chứa nhiều nụ cười và nước mắt như chứng khoán, nhưng sàn vàng cũng đầy bi hài kịch của những nhà đầu tư: lãi hàng trăm triệu đồng hay lỗ trắng tay đều có. Hiện đã có 8 sàn giao dịch vàng, cung cấp nhiều lựa chọn cho người tham gia.
Không dễ kiếm vàng
Một nhà đầu tư trên sàn giao dịch vàng Sài Gòn - ACB ở quận Tân Bình nói rằng, ông tham gia sàn vàng ACB khoảng sáu tháng nay chỉ thấy toàn người thua chứ ít thấy người thắng. Tuy nhiên, trong thời kỳ giá vàng biến động mạnh, không ít người tìm thấy được cả hũ vàng theo nghĩa bóng trên sàn vàng này.
Chị Phương Phi, một nhà đầu tư vàng nói nhờ bám sàn ngày đêm cả năm nay chị đã lãi xấp xỉ 200 - 300 triệu đồng sau khi trừ những khoản lỗ khác.
“Giờ là thời điểm cần phải bám sàn hơn nữa, giá vàng nhiều khi bất ngờ vào cuối năm và có thể lãi (lỗ) bằng cả năm ôm sàn”, chị nói. Theo chị, những khoản thua dăm bảy chục triệu cho đến vài trăm triệu đồng là chuyện thường được kể ở sàn vàng.
Chiếm thị phần lớn nhất hiện nay là sàn giao dịch vàng Sài Gòn do ngân hàng ACB tổ chức với hơn 500 tài khoản tính đến nay. Còn những sàn vàng mới đi vào giao dịch như sàn Thần Tài Sacombank - SBJ sau gần một tháng thì có khoảng 40 tài khoản.
Cách thức tham gia giao dịch vàng cũng tương tự như chứng khoán. Nhà đầu tư mở tài khoản, đặt lệnh mua bán hoặc huỷ điểm chấp nhận lệnh. Thông thường nhà đầu tư ký quỹ 7% và có thể đầu tư gấp 13 - 14 lần số vốn tự có.
Nhân viên điều hành sàn vàng cũng buồn vui bất chợt, và có những phút lơ đãng, nên việc nhập nhầm số xảy ra cũng thường trên sàn, như vụ ngày 13.11 qua sàn Phố Wall nhập thêm một số 0 khiến phí rút vàng tăng lên hàng chục lần làm nhà đầu tư tá hoả bán vàng ra thiệt hại không ít, hoặc gần đây vì vụ nhầm lẫn có một không hai của sàn ACB mà vàng được bán với giá 17.000 đồng/lượng.
Chọn sàn
Một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư chọn lựa sàn là thời gian giao dịch. Trong khi nhiều sàn khác mới ra đời như Sacombank - SBJ giao dịch tới 16h30 chiều là đóng cửa, vô tình khiến cơ hội tìm kiếm lợi nhuận bị bốc hơi trong đêm, thì sàn Phố Wall, sàn Việt Á, Sài Gòn - ACB… gần như giao dịch xuyên đêm.
Quan trọng hơn là điều kiện giao dịch. Sàn mới mở thường quy định dễ chịu hơn sàn cũ. Thí dụ, sàn Sacombank quy định bước nhảy về khối lượng là 10 lượng, Việt Á với bước nhảy 20 lượng, thì ACB lúc trước từ 50 lượng hạ xuống còn 10 lượng, sàn Phương Nam bước nhảy là 50 lượng vàng/lệnh, tối thiểu một lệnh đặt là 50 lượng nên kén khách.
Lãi suất, tuỳ sàn, xê xích nhau, nhưng vì sàn vàng tạo điều kiện kiếm lợi nhuận nên giá cho vay tương đối cao. Thí dụ, ở Việt Á lãi suất cho vay VND áp dụng khoảng 14%/năm đối với khách hàng thành viên, 14,5%/năm đối với khách hàng cá nhân. Lãi suất cho vay vàng khoảng 5 - 6%/năm. Nhưng nếu đặt lệnh phiên 1 từ 6h đến 23h đêm ở Việt Á, nhà đầu tư không phải chịu lãi vay qua đêm.
Muốn giao dịch thoải mái không có biên độ thì tới sàn Đông Á. Hiện Đông Á không áp dụng biên độ dao động giá, còn sàn Sacombank - SBJ thì áp dụng biên độ (+/-) 1%.
Sàn ACB có tiếng là thẳng tay với tài khoản của khách hàng khi mức ký quỹ 7% tụt xuống dưới mức quy định. Còn về phí giao dịch thì nhiều sàn áp dụng ở mức 2.000 đồng/lượng.
Giao dịch điện tử thì Sacombank - SBJ chưa có mà mới đặt lệnh trực tiếp tại sàn, Việt Á thì có thể đặt lệnh qua điện thoại và trực tiếp tại sàn. Muốn tiện lợi bằng cú nhấp chuột thì tới sàn ACB.
Mỗi sàn đều đưa vàng miếng 999,9 SJC vào thực hiện bên cạnh vàng miếng của mình, như Sacombank - SBJ đưa vàng Thần Tài, ACB có vàng ACB, Đông Á có vàng PNJ-DAB…
Tuỳ tiêu chí nhà đầu tư có thể lựa chọn sàn phù hợp cho mình, ví dụ như ACB do tham gia như một nhà đầu tư trên sàn bên cạnh vai trò “cầm cái” nên khi có sự cố có khi bị nhà đầu tư hiểu là mâu thuẫn về lợi ích, còn sàn Sacombank - SBJ thì chủ sàn không trực tiếp mua bán trên sàn.
Theo Vĩnh An
Báo SGTT