1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đại biểu “truy” trách nhiệm cá nhân về chậm cổ phần hóa DNNN

(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho biết, Thủ tướng đã yêu cầu người đứng đầu DNNN không thực hiện đúng công tác cổ phần hóa thì phải chịu trách nhiệm cá nhân, thế nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về việc ai chịu trách nhiệm dù còn 100 doanh nghiệp không đạt tiến độ đề ra.

Góp ý kiến thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 2/10, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng, việc đưa các vụ án lớn ra xét xử như vụ việc ở Ngân hàng ACB, Ocean Bank và nhiều vụ án trọng điểm khác... đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật.

Tuy nhiên, ông Kiên phân tích, “mổ xẻ” một loạt những vấn đề còn tồn đọng trong kinh tế vĩ mô, trong đó có nội dung quan trọng về kết quả của quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Ông Nguyễn Đức Kiên - Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Theo ông Kiên, năm 2011, nợ công Việt Nam mới chỉ chiếm 46% GDP, đến hết 2015, con số này đã lên tới khoảng 61,5% GDP, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 5,9%.

Trong khi đó, đối với Indonesia, nợ công của nước này năm 2011 là 26,09% GDP, đến năm 2014 vẫn giữ được ở mức 26,11% GDP, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP là 4,5%.

Ông Kiên lưu ý, quy mô của nền kinh tế Indonesia lớn gấp hơn 5 năm của Việt Nam. “Nếu chỉ so sánh đơn thuần thông qua tỷ lệ phần trăm thì dễ bằng lòng, nhưng nếu so với cả quy mô GDP thì sẽ thấy khoảng cách tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng giãn ra so với các nước khu vực. Đối với top 4 của các nước ASEAN, chúng ta còn khó mà vượt lên để bằng bạn, chứ đừng nói là vượt cao hơn nữa!”, ông Kiên nhận xét

Chỉ số ICOR về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Việt Nam năm 2011 là 5,3 và năm 2014 là 5,18. Như vậy, với việc tái cơ cấu đầu tư công đã giảm được hệ số ICOR 0,12%, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 12 trong số các nước dễ vỡ nợ công nhất.

Ông Kiên cho rằng, phải nhìn rõ được trách nhiệm trong tái cơ cấu đầu tư công là như thế nào, phải thấy được những vấn đề tồn tại của nền kinh tế để khắc phục.

Đối với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), theo kế hoạch đề ra, chỉ trong 2 năm 2014 - 2015 phải cổ phần hóa 432 DNNN, nhưng cho đến thời điểm hiện nay còn khoảng 100 doanh nghiệp nữa chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra.

“Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp với các DNNN đã yêu cầu người đứng đầu không thực hiện đúng công tác cổ phần hóa thì phải chịu trách nhiệm cá nhân. Thế nhưng tại thời điểm này, chúng ta vẫn không thấy thông tin từ Chính phủ về việc ai chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành quá trình cổ phần hóa DNNN”, ông Kiên cho biết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đặt vấn đề: Các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 24,6% vốn của nền kinh tế nhưng chiếm 25,3% doanh thu thuần nhưng đang đóng góp 67% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

“Với khoảng 1,5 triệu tỷ đồng vốn đang do DNNN quản lý, với tổng tài sản gần 5 triệu tỷ đồng, nhưng ta thử nhìn xem đóng góp của DNNN như thế nào?”, ông Kiên đặt câu hỏi.

Nhìn chung, đóng góp ý kiến trước Quốc hội hôm nay, hầu hết các đại biểu đều thống nhất đánh giá, tuy đạt được một số kết quả ban đầu, song tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa vốn ở một số doanh nghiệp chưa đạt tiến độ. Tỷ lệ vốn được cổ phần hóa còn thấp, quản tri doanh nghiệp đổi mới còn chậm, kiểm tra, giám sát nội bộ còn hạn chế.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh ở nhiều doanh nghiệp nhà nước thấp, chưa tương xứng với tài sản và nguồn lực, thất thoát lãng phí còn lớn doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt kinh tế của nhà nước.

Bích Diệp

 

Đại biểu “truy” trách nhiệm cá nhân về chậm cổ phần hóa DNNN - 2