Đại biểu Trần Du Lịch: Mô hình Thượng Hải hoàn toàn phù hợp với TPHCM
(Dân trí) - Ông Trần Du Lịch cho biết, TPHCM hiện có hai "bảo bối" là Nghị quyết 20 và Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị để có thể áp dụng mô hình chính quyền đô thị như Thượng Hải. Tuy nhiên, theo ông, TPHCM không nên hướng đến là "đặc khu" (quốc gia trong quốc gia) và cũng không cần một luật riêng cho mình.
Phát biểu của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) tại Hội nghị lần 4 Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM ngày 27/3 gây chú ý trong những ngày qua khi ông cho rằng, TPHCM phải kiên trì kiến nghị bằng được mô hình chính quyền đô thị, tiến tới xây dựng luật TPHCM giống như Luật Thủ đô.
“Phải xây dựng TP.HCM trở thành một đặc khu kinh tế như Thượng Hải với những cơ chế đặc biệt để phát huy được tiềm năng thế mạnh của mình” – ông Thăng cho hay.
Về vấn đề này, bên hành lang Quốc hội chiều 28/3/2016, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM:
Ý tưởng của Bí thư Đinh La Thăng có nhiều thuận lợi
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về phát biểu của Bí thư Đinh La Thăng trong việc đòi cơ chế đặc biệt với mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM?
Tôi ủng hộ tinh thần tháo gỡ cơ chế để TPHCM có thể phát triển tương xứng với tầm vóc mà Bí thư Đinh La Thăng đã đề ra. Tôi cũng rất ủng hộ đánh giá cho rằng, những cơ chế hiện tại dành cho TPHCM như một cái áo quá chật mặc lên một cơ thể lớn mạnh.
Đã nhiều lần tôi nhận định rằng, chúng ta đã đồng hóa tính thống nhất của nền hành chính với sự đồng nhất về tổ chức bộ máy, thành ra, kiểu như TPHCM có cái gì thì một tỉnh miền núi cũng có cái đó - điều này vừa bất cập vừa gây lãng phí.
Theo tôi, Bí thư Thành ủy đã nhận thấy vấn đề khi về thành phố. Với tư cách là một người tham gia từ khi xây dựng Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị năm 2002 và tham gia biên tập đề án Đổi mới chính quyền đô thị từ 2007, tôi cho rằng, hiện nay TPHCM có thuận lợi hơn để tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Thuận lợi từ đâu? Một là theo Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị và sau này là Nghị quyết 16 có một đoạn rất quan trọng, nói rõ rằng "Vấn đề gì mà luật pháp chưa quy định, hoặc quy định không phù hợp thì đề nghị Chính phủ cho TPHCM làm thí điểm".
Thứ hai, Luật Chính quyền địa phương có điểm rất quan trọng là cho phép tổ chức thành phố trong thành phố. Trên tinh thần đó, tôi cho rằng, TPHCM có thể tiếp tục triển khai ngay đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Trong đề án mô hình đô thị trước đây có 4 nội dung chính, hiện có 3 nội dung tôi cho là "được": Một là, cho phép TPHCM tổ chức các đô thị trực thuộc. Bốn thành phố Đông - Tây - Nam - Bắc mà trước đây chúng tôi làm quy hoạch đã định hướng rất rõ chức năng nhiệm vụ, để nâng tính tự chủ của các thành phố đó. Thay vì bây giờ chỉ có một TPHCM năng động thì sẽ có 4 thành phố cùng năng động, giảm tải cho chính quyền TPHCM hiện nay.
Hai là, Luật chính quyền địa phương cũng đưa ra 3 cơ chế là cơ chế phân quyền, phân cấp và cơ chế ủy quyền. Ba là, trong đề án, TPHCM tiếp tục nghiên cứu nâng trách nhiệm giám đốc các Sở không chỉ còn là cơ quan tham mưu, cái gì dễ thì làm khó thì đẩy sang UBND.
Với cơ chế như vậy sẽ không còn tạo áp lực họp hành Ủy ban nữa, UBND chỉ giải quyết những vấn đề hoàn toàn vượt khỏi thẩm quyền các Sở. Đồng thời, khi phân quyền cho các đơn vị trực thuộc thì các Sở cũng bớt việc, chỉ cần đưa ra quy định và đi kiểm tra, giám sát thực thi mà thôi.
Còn nội dung thứ tư trong mô hình mà hiện nay còn vướng là thành phố tổ chức cấp chính quyền có HĐND và cơ quan chính quyền không đầy đủ. Hiến pháp có mở ra nhưng Luật lại không quy định vấn đề này.
Tôi cho rằng đây không phải là vấn đề quá lớn. Nếu tổ chức có thể thêm HĐND trong phường, chức năng đơn giản; còn những đơn vị trực thuộc như thị trấn thì tăng tự quản, tự chịu trách nhiệm. Trên tinh thần đó, TPHCM có thể tinh giản được bộ máy, nâng tinh thần trách nhiệm lên.
Theo tôi, trên tinh thần Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 16 thì rà lại tất cả các quy định hiện nay để thấy nếu phát triển mô hình như vậy thì đang vướng gì và từ đó trình Chính phủ làm.
Tôi ủng hộ tinh thần của đồng chí Bí thư. Với một người đứng đầu thành phố mà có một quyết tâm khởi động trở lại một chủ trương lớn trước đây, tôi nghĩ rằng có thể làm được. Chủ trương này đã được đeo đuổi nhiều năm, nằm trong chương trình trọng điểm của Thành ủy nhiệm kỳ trước.
Nếu Bí thư thực sự quyết tâm thì sẽ làm ngay trong nhiệm kỳ tới
Bí thư Đinh La Thăng nói muốn TPHCM trở thành một "đặc khu" - vậy đặc khu này có gì đặc biệt?
Tôi cho rằng, nếu nói là đặc khu thì cũng không phải. Cách đây 20 năm trước, TPHCM đã nghiên cứu mô hình đặc khu, nhưng chỉ chọn một phần phía Nam mà thôi, không thể làm cả thành phố. Hiện nay, Trung ương đã chủ trương có mấy đặc khu là Vân Đồn, Phú Quốc, là những nơi có quy mô nhỏ và hẻo lánh, quá đặc biệt, quá khó khăn.
Đặc khu là gì? Thực chất là quốc gia trong quốc gia. Tôi cho rằng, không nên nghĩ TPHCM là "đặc khu" kiểu đó mà TPHCM là một chính quyền đô thị giống như Thượng Hải.
Tôi nhấn mạnh, Thượng Hải là một chính quyền đô thị đầy đủ chứ không phải đặc khu như Thẩm Quyến. Thẩm Quyến mới là mô hình quốc gia trong quốc gia.
Với ý tưởng đó thì liệu rằng tài chính của TPHCM có độc lập với Trung ương không? Tôi nhớ mới năm vừa rồi, khi TPHCM vượt thu ngân sách 10.000 tỉ đồng xin được thưởng, giữ lại một phần để đầu tư các công trình trọng điểm nhưng không được chấp nhận...
Căn cứ Luật Ngân sách, chúng ta phải kiến nghị lại. Theo Luật, những khoản thu nào của địa phương thì phải 100% thuộc địa phương, những khoản nào chia Trung ương và địa phương thì chia ổn định trong 5 năm không thay đổi. Còn những khoản nào thuộc Trung ương thì thành phố có nhiệm vụ phải thu cho Trung ương. Cứ thế mà thực hiện.
Khoản của địa phương thì do HĐND quyết và chịu trách nhiệm. Chứ không phải lồng ghép theo kiểu nhập nhằng không rõ, rồi xin lên xin xuống!
Quan điểm của tôi là không có thưởng, không thưởng thu thưởng chi gì hết... Tôi nghĩ không cần như vậy!
Bí thư Thăng nói rằng, tiến tới cần xây dựng một luật riêng cho TPHCM giống như Luật Thủ đô vậy. Ông suy nghĩ như thế nào?
Tôi cho rằng không cần phải có luật riêng cho thành phố - điều này không có tác dụng gì nhiều. Nếu cần thì cần cơ chế tốt và dựa trên tinh thần đó là thực hiện được.
Tôi nhắc lại, Thành phố đã có một bửu bối, đó là Nghị quyết 20 và Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị cho phép, thế nên cứ mạnh dạn!
Theo nhận định của ông, ý tưởng này có thực hiện được trong nhiệm kỳ tới đây không?
Theo tôi là phải khởi động luôn. Thực tế, ý tưởng này không có gì xa vời, những ý tưởng đó đã chín muồi, thảo luận đi thảo luận lại nhiều rồi.
Nếu đồng chí Bí thư thực sự quyết tâm thì TPHCM tổ chức lại. Bây giờ bộ phận nghiên cứu đề án vẫn còn nguyên ở đó. Mô hình thành phố trước đây chúng tôi đã đi nghiên cứu rất nhiều nơi như Thượng Hải (Trung Quốc), Busan (Hàn Quốc), Paris (Pháp)...và cũng đã xem xét trường hợp nếu áp dụng vào điều kiện Việt Nam thì như thế nào. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ và nhận thấy mô hình Thượng Hải là rất phù hợp.
Thượng Hải quy định rất rõ, Thị trưởng thì nắm quyền hạn, trách nhiệm như thế nào, còn lại giao cho các Cục (tương đương với Sở), Thị trưởng chỉ cần nắm quy hoạch.
Với tư tưởng đó, sẽ tách biệt Văn phòng Ủy ban chỉ chịu trách nhiệm về nghiên cứu chính sách - TPHCM cũng có Viện Nghiên cứu phát triển. Các Viện làm nghiên cứu chính sách chứ các Sở không làm nghiên cứu mà chỉ thực thi và quản lý nhà nước.
Khi chính sách đã được nghiên cứu, được HĐND và UBND thông qua thì giao các Sở thực thi. Không có chuyện anh vừa thực thi lại vừa đề xuất, vừa nghiên cứu...rồi có chuyện cái dễ phần mình, cái khó đẩy sang cho người khác.
Bản thân ông có kỳ vọng như thế nào nếu ý tưởng đó được hiện thực hóa?
Tôi cho là TPHCM sẽ làm được và sẽ bứt phá. Khi có cơ chế tốt, huy động được nguồn lực và xây dựng được một nền hành chính phục vụ, TPHCM từ đó sẽ bứt phá lên.
Xin cảm ơn ông!
Bích Diệp (thực hiện)