Đại biểu Quốc hội: “Xét cho cùng FDI vẫn là nợ quốc gia!”

(Dân trí) - Đại biểu Trần Du Lịch chỉ ra một mâu thuẫn trong nền kinh tế hiện nay là doanh nghiệp FDI tồn tại tốt nhưng doanh nghiệp trong nước lại phát triển yếu kém. Nếu phát triển dựa vào FDI thì GDP tăng nhưng lợi tức quốc gia sẽ giảm.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận hội trường sáng 3/11 về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, kinh tế từ quý 2/2013 đã chạm đáy suy giảm và tăng trưởng trở lại, tuy nhiên, nhịp độ tăng trưởng vẫn yếu ớt.

Nếu nhìn tổng thể 5 năm, theo ông Lịch, có tới 9 chỉ tiêu trong tổng số 21 chỉ tiêu không đạt lại rơi vào chất lượng tăng trưởng như tổng đầu tư xã hội/GDP, sản phẩm công nghệ cao, năng suất lao động, lao động qua đào tạo…

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch

Ông Lịch đặt vấn đề: “Liệu trong 5 năm tới, hoặc từ năm 2016, chúng ta có tăng trưởng được cao hơn giai đoạn vừa rồi, năm sau cao hơn năm trước như đã đề ra hay không? Đó là vấn đề còn phải bàn!” Do vậy, theo đại biểu, để đạt được mục tiêu, cần phải có động lực mới cho nền kinh tế.

Theo ông Lịch, kinh tế Việt Nam đang đứng trước 4 hạn chế: tổng đầu tư xã hội giảm trong khi kinh tế Việt Nam lại tăng trưởng dựa vào vốn. Nông nghiệp đạt nhiều kết quả nhưng phải chăng đã chạm trần tăng trưởng và đang suy giảm nếu thiếu động lực mới trong tái cấu trúc? Kinh tế phục hồi nhưng doanh nghiệp trong một thời gian dài chết quá nhiều! Đã xảy ra một hiện tượng là doanh nghiệp FDI tồn tại tốt nhưng doanh nghiệp trong nước lại phát triển yếu kém.

“Nếu như chúng ta duy trì tăng trưởng dựa vào FDI thì rõ ràng phát sinh mâu thuẫn trong nền kinh tế, vì xét cho cùng FDI vẫn là nợ quốc gia. Nếu phát triển như vậy thì GDP tăng nhưng lợi tức quốc gia sẽ giảm” – đại biểu Trần Du Lịch phân tích.

Ngoài ra, đại biểu Lịch cũng chỉ ra, Việt Nam đang vướng vào chi ngân sách, nợ công “khủng”. Trong khi đó, Bộ Tài chính phân bổ theo kiểu “giật gấu vá vai” thế này thì rõ ràng không có dư địa để kích tổng cầu cho vài năm sau.

Đồng ý với chỉ tiêu đặt ra là từ năm 2016, tốc độ tăng trưởng đạt 6,5-7%, tuy nhiên, ông Lịch cho rằng, phải có động lực mới, nếu không thì sẽ không đạt được.

Về chính sách tiền tệ, đại biểu Trần Du Lịch đánh giá, vấn đề rất khó là làm sao giảm lãi suất trong điều kiện hiện nay tất cả nguồn lực tín dụng kể cả nhà nước, doanh nghiệp đều dựa vào ngân hàng thương mại. “Đây là một bài toán rất khó!” – ông Lịch cho hay.

Bích Diệp

Đại biểu Quốc hội: “Xét cho cùng FDI vẫn là nợ quốc gia!” - 2