1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đại biểu Quốc hội Trà Vinh xin từ nhiệm

(Dân trí) - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo gửi các đại biểu về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khoá XIII đối với ông Thạch Dư (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh).

Trước đó, ông Thạch Dư, đại biểu Quốc hội khoá XIII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Trà Vinh đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì đã được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà XHCN Việt Nam tại Vương quốc Cam-pu-chia.

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội, việc chấp nhận đại biểu Quốc hội xin thôi làm nhiệm vụ do Quốc hội quyết định. Trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội thì do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Căn cứ quy định của pháp luật, tại phiên họp thứ 34, tháng 1/2015, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và nhất trí với đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội của ông Thạch Dư.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII khai mạc từ ngày 20/5 (ảnh: Việt Hưng).
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII khai mạc từ ngày 20/5 (ảnh: Việt Hưng).

Ngày 20/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 881 về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Thạch Dư, đại biểu Quốc hội khoá XIII thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh.

Nghị quyết nêu rõ: “Ông Thạch Dư, đại biểu Quốc hội khoá XIII thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội để tập trung thực hiện nhiệm vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà XHCN Việt Nam tại Vương quốc Cam-pu-chia”.

Ông Thạch Dư, sinh ngày 25/8/1959, quê quán tại xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh là đại biểu Quốc hội khoá XIII tỉnh Trà Vinh, nhiệm kỳ 2011 -  2016.

Về công tác nhân sự, theo chương trình chính thức kỳ họp thứ 9 được Quốc hội thống nhất, cuối kỳ họp, Quốc hội sẽ dành một buổi họp riêng để xem xét việc bãi nhiệm nữ đại biểu Châu Thị Thu Nga. Việc bỏ phiếu, thông qua Nghị quyết bãi nhiệm cũng không tổ chức công khai.

Hiện tại, bà Châu Thị Thu Nga cũng đã bị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đình chỉ thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì không còn uy tín với cử tri. Trước đó, ngày 7/1, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện lệnh tạm giam đối với bà Nga, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất - Housing Group) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi triển khai dự án nhà chung cư - biệt thự B5 Cầu Diễn.

Về việc họp kín này, đại biểu Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cho hay: Luật Tổ chức Quốc hội quy định, trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội mà xét xử có án, thì đương nhiên không cần thủ tục bãi nhiệm, coi như mất tư cách đại biểu.

Trường hợp bà Châu Thị Thu Nga rơi vào điều khoản không còn đủ tín nhiệm với nhân dân, với cử tri. Kiểm điểm của bà Nga cũng đã thừa nhận, đặc biệt là kết quả của thanh tra của Thanh tra TP. Hà Nội, thì như vậy là không đủ uy tín.

“Một doanh nhân là đại biểu Quốc hội càng phải gương mẫu, chứ không thể lợi dụng danh nghĩa đại biểu. Các cử tri, người bị hại gửi đơn đến tôi có nói, do chúng tôi tin tưởng người đã được tổ chức lựa chọn, trở thành đại biểu Quốc hội, nên chúng tôi mới trao gửi tài sản với hy vọng có nhà để ở, nay lại mất trắng.

Đây là điều đáng buồn, không ai muốn. Nhưng nay đã đủ điều kiện để xem xét miễn nhiệm nên Quốc hội mới phải thực hiện sớm, nếu không cử tri vẫn nghĩ đó là đại biểu Quốc hội”.

 Nguyễn Hiền

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”