Đại biểu Quốc hội: Tăng lương là việc phải làm

(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, trong những lý do mà Chính phủ nêu ra để trì hoãn việc tăng lương, lỗi chính không phải của người lao động.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Thảo luận về thực hiện ngân sách 2014 và dự toán, phân bổ 2015, các đại biểu một lần nữa đề cập tới việc sử dụng lãng phí nguồn ngân sách, nợ công tăng cao và việc tăng hay không tăng lương.

Cải cách tiền lương triệt để cùng với cải cách hành chính

Theo Chính phủ, năm 2015 sẽ không tăng lương do cân đối ngân sách gặp khó khăn; còn thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì lý giải thêm việc chưa tăng lương do bộ máy còn cồng kềnh, năng suất lao động thấp... gây áp lực lên ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, trong những lý do mà Chính phủ nêu ra để trì hoãn việc tăng lương, lỗi chính không phải của người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) yêu cầu phải tăng lương (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) yêu cầu phải tăng lương (ảnh: Việt Hưng).

Theo đại biểu Tâm, cân đối ngân sách khó khăn tuy là thực tế nhưng là do điều hành thu - chi chưa tốt, chưa nghiêm. Năng suất lao động thấp do rất nhiều lý do, không phải hoàn toàn do người lao động, mà trước hết là thuộc về trách nhiệm của người điều hành, đứng đầu các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; việc quy định chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, phân cấp chưa hợp lý, phải chăng là do bị sự chi phối của lợi ích nhóm, cục bộ nên việc tổ chức bộ máy, cơ cấu, phân cấp, phân nhiệm chưa làm quyết liệt, triệt để? Ngoài ra, việc tuyển dụng lao động chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, tranh tài dân chủ thực sự; cách đánh giá người lao động, công chức, viên chức hiện nay còn theo cách thức cào bằng.

“Hiện nay, theo cách đánh giá của chúng ta, người giỏi cũng giống như người dở, người tích cực cũng như người không tích cực, người năng động, sáng tạo cũng như những người không có tư tưởng này, người học hành tử tế, có kiến thức thực sự cũng giống như người chạy bằng, chạy chỗ, dẫn tới người làm giỏi, có hiệu quả không có động lực để phấn đấu, tiến bộ, người làm dở không cảm thấy xấu hổ, có lỗi, nên bộ máy không thể làm việc năng suất được”, đại biểu Tâm nhận xét.

Cũng theo đại biểu Quyết Tâm: “Năng suất lao động thấp - lỗi này trước hết và căn bản là do người sử dụng lao động, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức của bộ máy. Vì vậy, tăng lương là việc phải làm. Chúng ta phải tăng lương theo lộ trình, đó là trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ. Nếu không tăng lương sẽ tạo tâm lý nặng nề trong cán bộ, viên chức, đó là thực sự coi trọng nguồn nhân lực, vì trong khi thiếu ngân sách thì các nguồn chi khác vẫn được đảm bảo nhưng lại cắt nguồn chi để tăng lương”.

Còn theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), Quốc hội, Chính phủ không nên tăng lương như hệ số hiện nay mà cần cải cách tiền lương triệt để hơn. Tiền lương phải thể hiện được giá trị xã hội của người lao động, nên các quy định về thang, bậc lương phải tính lại.

“Hiện nay, nếu chúng ta tăng thêm 100.000 lương tối thiểu thì chênh lệch giữa người bậc lương thấp và bậc lương cao càng lớn. Trước mắt, khi ngân sách khó khăn, chúng ta nên trợ cấp đều cùng một mức cho mọi công chức, chứ không tăng lương tối thiểu, vì càng tăng sẽ càng bất công, bởi những người thực sự khó khăn sẽ không được hưởng nhiều khi lương tăng, trong khi những người lương cao lại được hưởng nhiều hơn”, đại biểu Lịch nói.

“Lạm phát” cấp phó

Đại biểu Đinh Trịnh Hải (đoàn Thái Bình), Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách cho biết, hiện nay tình trạng buôn lậu, trốn thuế diễn ra phổ biến, ngày càng tinh vi. Thời quan qua, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội có nhiều chính sách miễn giảm thuế, nhưng một bộ phận doanh nghiệp laik lợi dụng chính sách này dây dưa nộp thuế.

Chỉ trong 8 tháng đầu năm, nợ đọng thuế đã lên tới 10% tổng thu ngân sách, cao hơn rất nhiều so với quy định quản lý thuế là 3 - 5%. Nhiều địa phương nợ đến trên 20% . Do đó, đại biểu yêu cầu phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thuế…

Về thu ngân sách 2015, đại biểu Đinh Trịnh Hải nhất trí với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu 100% cổ tức của doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thu một phần lợi nhuận của các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sau khi đã trích lập các quỹ. Đây là lợi nhuận mang lại do đầu tư vốn Nhà nước, nếu không thu không khuyến khích đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Liên quan đến chi ngân sách, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, cơ cấu chi đang bộc lộ sự bất hợp lý khi tốc độ tăng chi thường xuyên lớn hơn chi đầu tư, cân đối gặp nhiều khó khăn, bội chi cao liên tục nhiều năm, dư nợ công cao dẫn đến nghĩa vụ trả nợ lớn. Chính điều này đã khiến cho nhiều chế độ chính sách như: xây nhà cho người có công, tiền lương... không thực hiện được. Do vậy, thời gian tới, Chính phủ cần thắt chặt, kiên quyết không chi khoản nào bất hợp lý... tiến tới giảm bội chi và nợ công.

Còn đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị, chi thường xuyên năm 2015 cần mạnh dạn cắt giảm 10% (trừ lương). “Nếu làm vậy thì anh muốn sơ kết, tổng kết, tiếp khách... phải tự tìm nguồn chứ ngân sách không cấp. Cứ mạnh dạn làm, không chết ai”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Nhưng theo đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên Huế), tuy cần tiết kiệm chi nhưng khoản cần chi vẫn phải chi. Chẳng hạn như không có kinh phí cho công tác giám định kế toán, tài chính, xây dựng… làm ảnh hưởng tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, làm số tiền tham nhũng dễ bốc hơi, thậm chí làm cả vụ án “bốc hơi”.

Do đó, đề nghị nếu dự toán ngân sách chưa đưa vào dự toán thì có lẽ nên bổ sung 50 - 70 tỷ đồng cho công tác giám định. Hoặc có thể lấy từ nguồn thu hồi tài sản tham nhũng - dù mới thu hồi khoảng 10% nhưng cũng ngót nghét 1.000 tỷ đồng - để chi cho công tác giám định tìm và củng cố chứng cứ chứng minh tham nhũng.

Đặc biệt, đại biểu Trần Đình Nhã đề nghị Quốc hội phải có biện pháp hạn chế tình trạng “lạm pháp cấp phó” trong các cơ quan hưởng ngân sách.

Đại biểu nêu, theo thống kê chưa đầy đủ cả nước có 139.000 cơ quan hành chính sự nghiệp. Tính ra có khoảng 139.000 cấp trưởng và gấp 2 - 3 - 4 lần cấp phó, có cơ quan có 5 - 6, 7 - 8 cấp phó. Trong khi có nước có bộ không có cả thứ trưởng.

Có cơ quan cấp cục có 4 phòng, tương ứng có 4 trưởng phòng lại bố trí những 4 cục phó, có lẽ thừa cục phó hoặc thừa 4 trưởng phòng.

Do đó, cùng với số lượng cấp phó, chi ngân sách tăng lên. Cứ tính mỗi cấp phó hàng năm ngân sách chi thêm khoảng 30 triệu đồng phụ cấp chức vụ, diện tích phòng làm việc, điện, nước… thì chỉ với 139.000 cấp phó đã phải chi hơn 4.000 tỷ đồng. Nếu số lượng cấp phó gấp 2, 3, 4 thì chi còn gấp nhiều lần.

Nguyễn Hiền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”