1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại biểu Quốc hội: Không biến ngân hàng thành "kẻ hành khất"

(Dân trí) - Sáng nay 21/6, trên 86% đại biểu Quốc hội đã ấn nút thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo đó, nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017.

Theo đó, Nghị quyết gồm 19 điều, được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017.

Như vậy, với việc thống nhất thông qua, theo đánh giá của một số chuyên gia, thực tế tồn tại thời gian qua đã được hạn chế, không còn biến ngân hàng thành "kẻ hành khất - đứng cho vay, quỳ thu nợ".

Trước khi thông qua, Quốc hội đã nghe Ủy ban Thường vụ giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết này đối với 1 số lĩnh vực còn ý kiến khác nhau.

Tổng hợp các ý kiến thảo luận cho thấy, nhiều đại biểu cho rằng, chỉ áp dụng đối với khoản nợ xấu tính đến 31/12/2016 để nâng cao trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong quan hệ tín dụng. Có ý kiến đề xuất Nghị quyết áp dụng đối với khoản nợ xấu đến thời điểm ngày 31/12/2017; còn cơ quan trình là Chính phủ (mà đại diện là Ngân hàng Nhà nước) muốn áp dụng với những khoản nợ xấu phát sinh đến hết thời hiệu của Nghị quyết, với lý do còn nhiều khoản “nguy cơ cao trở thành nợ xấu” chỉ chờ đến hạn là được xếp vào nhóm này (khoảng 4,28% tổng dư nợ, chỉ kém số nợ xấu đã “phát lộ” đôi chút).


Kết quả cụ thể việc biểu quyết Nghị quyết về xử lý nợ xấu.

Kết quả cụ thể việc biểu quyết Nghị quyết về xử lý nợ xấu.

Căn cứ vào ý kiến còn khác nhau của các đại biểu, UB Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo gửi phiếu xin ý kiến. Tuy nhiên, kết quả lấy phiếu của hai phương án không có sự chênh lệch lớn (phương án 1: 203 phiếu/phương án 2: 193 phiếu), không quá bán so với tổng số đại biểu Quốc hội.

Sau khi cân nhắc, UB Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh mục tiêu xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng xuống dưới 3%. Nghị quyết này được khẳng định là thí điểm mang tính đặc thù giải quyết khoản nợ xấu phát sinh bất thường trong thời gian vừa qua, cho nên cần có chính sách phù hợp để xử lý nợ xấu phát sinh do nghiệp vụ tín dụng thực hiện trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực được xác định là ngày 15/8/2017.

Còn sau thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, ban hành và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro cao hơn, hợp lý theo thông lệ quốc tế để giảm thiểu phát sinh nợ xấu mới. Sau quá trình thực hiện Nghị quyết, Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh mang tính thường xuyên, thuộc rủi ro trong hoạt động kinh doanh tiền tệ của hệ thống ngân hàng.

Về vấn đề gây tranh cãi nhất - quyền thu giữ tài sản bảo đảm (Điều 7), nhiều đại biểu, đặc biệt là đại biểu thuộc khối tư pháp cho rằng, cần đánh giá thực tiễn thực hiện quyền thu giữ theo các nghị định trước đây của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị làm rõ việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản (như trường hợp nhân viên ngân hàng vi phạm trình tự, thủ tục hoặc làm mất mát, hư hỏng tài sản của người vay hoặc người thứ ba liên quan) mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Giải trình ý kiến này, UB Thường vụ Quốc hội cho biết, trước khi trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tổng kết thi hành các văn bản liên quan, trên cơ sở đó Cơ quan soạn thảo đánh giá tác động của chính sách về thu giữ tài sản bảo đảm.

Việc tổng kết pháp luật hiện hành liên quan đến chế tài xử lý các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm cho thấy các quy định liên quan vẫn nên tiếp tục được thực hiện nên xin không quy định trong dự thảo Nghị quyết.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của ĐBQH và để bảo đảm chặt chẽ, dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình xử lý nợ xấu (bao gồm thu giữ tài sản bảo đảm) tại khoản 4 Điều 3.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm