Đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế, kìm giá xăng dầu tăng quá "nóng"
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.
Cần hạ thuế với xăng dầu
Chiều nay (1/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề giá xăng dầu trong bối cảnh mặt hàng này đang tăng "nóng".
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đã đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có chính sách tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá mặt hàng này.
Việc "hạ nhiệt" giá xăng dầu, theo đại biểu, nhằm tránh việc đẩy mặt bằng giá các hàng hóa khác tăng theo. Để đảm bảo nguồn thu, cân đối việc hụt từ giảm thuế xăng dầu, đại biểu kiến nghị tăng thu từ khai thác dầu.
"Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao như hiện nay, việc tăng sản lượng khai thác và lọc hóa dầu trong nước không chỉ tăng hiệu quả khai thác gấp nhiều lần so với thời điểm giá thấp, mà còn tạo nguồn cung trong nước ổn định", ông Cường nói.
Cũng theo đại biểu, việc tạo nguồn cung trong nước ổn định cũng là cơ sở để bình ổn giá xăng dầu trong nước không quá "nhạy cảm" với biến động giá xăng dầu nhập khẩu trên thị trường quốc tế.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) cũng cho rằng Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu. Bởi giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến hiệu ứng "domino" với giá cả các mặt hàng khác.
"Hỗ trợ, giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi "té nước theo mưa" và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất", ông Ngân kiến nghị.
Chính phủ cần sớm vào cuộc "hạ nhiệt" giá xăng dầu
Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cũng cho biết, cử tri phản ánh nhiều về việc giá cả sinh hoạt gia tăng liên tục và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình.
"Giá xăng và nguyên vật liệu đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều tăng làm ảnh hưởng đến triển khai nhiều công trình lớn, ảnh hưởng đến hoạt động nhiều doanh nghiệp", bà Hương nói. Theo đại biểu này, số liệu thống kê cũng cho thấy các chỉ số giá tiêu dùng gia tăng ở nhiều lĩnh vực sẽ có tác động đến đời sống của người dân.
Đại biểu Hương đề nghị Chính phủ có giải pháp điều chỉnh giá đối với các mặt hàng trên để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao mức sống của người dân.
Cũng quan tâm về vấn đề giá xăng, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) đề nghị Chính phủ kiểm soát, hạ giá xăng dầu, điện, nước.
"Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới", đại biểu Dung lo ngại. Theo bà Dung, chính sách kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào phải tiếp tục được áp dụng, về lâu dài, tính toán để giảm một số khoản thuế, phí trong giá thành xăng, dầu để giảm nguy cơ lạm phát. Chỉ khi kiểm soát được lạm phát mới, bà Dung cho rằng, người dân, doanh nghiệp mới có thể trụ vững trong bối cảnh bất ổn như hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho biết, hiện giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, đẩy giá hàng hóa khác tăng theo. Đến nay không chỉ dừng ở xăng dầu, khí đốt mà đã lan sang vật tư phân bón, lương thực, thực phẩm, tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 2,1%. Riêng tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gấp gần 2 lần cùng kỳ các năm từ 2018 - 2021 tạo sức ép lạm phát vào những tháng cuối năm.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ.
Bên cạnh đó cần công khai, minh bạch việc quản lý, điều tiết giá cả như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, y tế, sách giáo khoa để cử tri và nhân dân được biết và chia sẻ, đại biểu nhấn mạnh.