Đại biểu Quốc hội đề nghị xem lại sự cần thiết tồn tại của Formosa

(Dân trí) - “Người dân 4 tỉnh miền Trung vẫn chờ câu trả lời cho câu hỏi, bao giờ biển trong sạch lại như xưa? Liệu các sự cố có còn tiếp diễn nữa hay không?”. Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu những câu hỏi trên không có cơ sở để khẳng định thì cần xem lại sự tồn tại của dự án này.

Những vấn đề quanh dự án tai tiếng Formosa tiếp tục làm “nóng” nghị trường trong phiên thảo luận sáng nay (29/7) về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.

Nói về dự án này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) không khỏi băn khoăn: “Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam trong đó có mục tiêu bảo vệ môi trường như một nguyên tắc khi xem xét cấp phép đầu tư. Chúng ta có nhiều quy định pháp luật mà trên thực tế đang và đã xảy ra những gì?”.

Vị đại biểu xót xa phát biểu trước hội trường: “Thảm họa môi trường Vũng Áng làm khốn khổ người dân 4 tỉnh miền Trung và hệ lụy của nó chưa thể chấm dứt mặc dù Formosa đã nhận lỗi và bồi thường. Người dân 4 tỉnh miền Trung vẫn chờ câu trả lời cho câu hỏi, bao giờ biển trong sạch lại như xưa? Liệu các sự cố có còn tiếp diễn nữa hay không?”.

Ông Tám cho rằng, nếu những câu hỏi trên không có cơ sở để khẳng định thì cần xem lại sự tồn tại của dự án này.

Các đại biểu cho biết sự cố môi trường Formosa gây ra đã khiến kinh tế một số địa phương điêu đứng, khó phục hồi
Các đại biểu cho biết sự cố môi trường Formosa gây ra đã khiến kinh tế một số địa phương điêu đứng, khó phục hồi

Chia sẻ trước Quốc hội, đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) cũng cho biết, Quảng Bình là địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa môi trường vừa qua do Formosa gây ra. Sự kiện này đã kéo lùi sự phát triển của tỉnh.

Ông Thuật phản ánh, trong 4 tháng qua, kinh tế Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên. Không chỉ ngành khai thác, nuôi trồng thủy hải sản của ngư dân bị ảnh hưởng mà du lịch Quảng Bình cũng bị “giáng đòn đau”. Đến nỗi, theo đại biểu, mặc dù Quảng Bình đã rất nỗ lực trong khắc phục hậu quả nhưng điều này vẫn nằm ngoài khả năng của tỉnh!

Mở rộng đến những dự án khác, đại biểu Tô Văn Tám cho biết, không chỉ Formosa mà hiện tượng xả thải gây ô nhiễm sông suối xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, nhiều dòng sông trở thành dòng sông chết.

“Câu hỏi đặt ra là vì sao các định hướng, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và các quy định pháp luật về môi trường đã được ban hành công phu nhưng lại không được tôn trọng, thực thi khi triển khai các chương trình đầu tư và khi các cấp phép các dự án?”, ông Tám nêu vấn đề.

Đại biểu tỉnh Kon Tum đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổng kiểm tra, rà soát lại tất cả các chương trình dự án đã hoạt động, đang đầu tư và sẽ đầu tư nhà máy ven sông, ven biển trong vấn đề xử lý chất thải. Kiên quyết và mạnh tay hơn nữa với các nhà máy không đảm bảo việc xử lý chất thải, gây ô nhiễm, kể cả là sử dụng biện pháp buộc dừng đầu tư, chấm dứt hoạt động.

“Chúng ta không đánh đổi tương lai để lấy hiện tại. Cử tri đánh giá cao thái độ của Thủ tướng không vì kinh tế mà phá hoại môi trường”, đại biểu Tô Văn Tám nói.

Bích Diệp