1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại biểu Quốc hội: Chống dịch không thể lo quá rồi run rẩy, sợ trách nhiệm

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cho rằng trong điều hành chống dịch, kinh tế xã hội ở một số nơi cần chuyển từ trạng thái lo sợ sang tự tin.

Bước sang ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 2, ngày 21/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về một số nội dung quan trọng về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Hòa Bình- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (Đoàn đại biểu Quảng Ngãi) - đã nêu ra một số điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội thời gian qua. Trong đó có điểm sáng là các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Theo ông Bình, việc này rất có ý nghĩa, đảm bảo đời sống nhân dân. Bởi giả sử nếu như các cân đối không đảm bảo, lạm phát phi mã thì thiệt hại rất lớn cho người dân... Điểm sáng tiếp nữa, theo ông Bình, là việc dịch bệnh được kiểm soát, củng cố niềm tin của người dân.

Đại biểu Quốc hội: Chống dịch không thể lo quá rồi run rẩy, sợ trách nhiệm - 1

Ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (Ảnh: Quốc Chính)

Cũng theo ông Bình, dịch biến đối quá nhanh, nhiều quốc gia bị động. Chúng ta vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm. Có phương pháp rất bao trùm là lắng nghe từ thực tiễn, những điều làm được và không được.

"Để tương lai dẫu có ứng phó với những gì chưa có tiền lệ thì cũng khó bị động. Tôi tin chúng ta sẽ vượt qua đại dịch", ông Bình nhấn mạnh.

Góp ý tại tổ, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn đại biểu Đồng Nai), cũng đánh giá cao sự thẳng thắn, trách nhiệm trong báo cáo của Chính phủ, cơ bản đồng tình các nhóm giải pháp về điều hành được đưa ra.

Tuy nhiên, điều khiến vị đại biểu còn băn khoăn là công tác điều hành chống dịch và kinh tế xã hội vừa qua ở một số nơi có tình trạng "lo lắng quá", "sợ trách nhiệm". Mặc dù về cá nhân, ai cũng lo sợ người dân bị dịch bệnh, lo tổn thất nhưng không phải vì thế mà không dám đưa ra quyết sách phù hợp.

"Không phải cái gì cũng đổ lỗi hết cho Covid-19, có những vấn đề xuất phát từ cá nhân", ông An thẳng thắn cho rằng cần chuyển từ trạng thái lo sợ sang tự tin, an toàn, hiệu quả. Đồng thời cần có sự chấn chỉnh nghiêm khắc đối với những vị trí, cá nhân, những nơi làm không tốt bổn phận trách nhiệm.

Bên cạnh việc xử lý những người làm không có trách nhiệm, đại biểu An cho rằng cũng cần khuyến khích, động viên kịp thời với cá nhân, tổ chức làm tốt.

Góp ý thêm về vấn đề nguồn lực, đại biểu An cho biết, đợt rồi chúng ta chi nhiều cho chống dịch. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn đủ nguồn lực nếu xử lý tốt được các vấn đề như cổ phần hóa, huy động trong xã hội, nợ đọng.

Đại biểu An cũng nêu vấn đề, trong bối cảnh phục hồi sản xuất còn khó khăn thì chứng khoán lên, giá nhà lên, giá vàng lên, lãi các ngân hàng vẫn tăng... "Trong bối cảnh khó khăn này chúng ta chi rất nhiều nhưng tôi cho rằng vẫn có những nguồn để cân đối. Dư địa vẫn còn. Trong công tác điều hành, cần tiếp tục có những giải pháp phù hợp", ông An góp ý.

Ông cũng nhắc đến vai trò của "tư lệnh" của Bộ y tế. Mặc dù chia sẻ đội ngũ y tế song theo ông An vẫn còn nhiều băn khoăn, đặc biệt là công tác phát huy nguồn lực y tế tư nhân, vai trò điều hành cho địa phương có những định hướng nhất định. "Chúng ta đang chuyển trạng thái, linh hoạt và an toàn, vai trò Bộ Y tế là rất quan trọng", ông An nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Hồ Đức Phớc (đoàn đại biểu Bình Định), đặt vấn đề về việc tháo gỡ khó khăn trong cổ phần hóa. Theo đó, để giải quyết tận gốc thì vị này cho rằng không nên tính giá trị đất đai vào giá trị cổ phần hóa, nhưng phải quản lý sao để không thất thoát. Ông cho rằng khi cổ phần hóa, chỉ đấu giá cổ phần giá trị trên đất. Đất sử dụng mục đích nào thì giữ nguyên, nếu chuyển mục đích thì đấu giá.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), lại nhấn mạnh tới tình trạng bị động, lúng túng và cho rằng cần phải có thêm giải pháp nâng cao năng lực, tiên lượng, dự báo tình hình trong thời gian tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm