1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đại biểu Quốc hội bàn chuyện hệ thống rạp CGV bị tố chèn ép doanh nghiệp Việt

(Dân trí) - Bàn về sự cần thiết phải sửa những quy định tại Luật Cạnh tranh hiện hành, đại biểu Quốc hội dẫn trường hợp về câu chuyện hệ thống rạp chiếu phim CGV bị tố đã chèn ép doanh nghiệp Việt trong nhiều năm qua...

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Phát biểu tại hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sáng nay (15/11), đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết, vấn đề quan trọng nhất và cơ bản nhất trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh là nhằm đảm bảo mang lại sự cạnh tranh bình đẳng trong quá trình phát triển kinh tế và tăng cường hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn.

Theo ông Cương, Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định: Các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Tuy nhiên, thực ra là có những hành vi tập trung kinh tế không đạt thị phần trên 50% nhưng vẫn có khả năng tạo ra vị trí thống lĩnh thị trường.

"Mấy ngày vừa qua truyền hình Việt Nam cũng như báo chí đồng loạt có bài về doanh nghiệp CGV có biểu hiện kinh doanh trái phép và chèn ép doanh nghiệp Việt. Ở đây tôi chỉ có phân tích ở khía cạnh cạnh tranh không lành mạnh", ông Cương dẫn ví dụ.

Theo vị đại biểu này, công nghiệp điện ảnh được cấu thành bởi 3 công đoạn từ sản xuất, phát hành tới rạp chiếu. Những năm gần đây số lượng phim của Việt Nam sản xuất cũng tăng đáng kể, chiếm thị phần khoảng 30%, còn lại đều là phim ngoại. Rạp chiếu phim chính là đầu ra của khâu sản xuất phim. 2 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất về rạp chiếu phim và nắm đầu ra của công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện nay là 2 doanh nghiệp nước ngoài là CGV chiếm 43%, Lotte chiếm 20% thị phần.

"Đặc biệt, doanh nghiệp CGV nắm tới 80% quyền sở hữu dù Luật Điện ảnh chỉ cho phép doanh nghiệp nước ngoài chỉ nắm giữ không quá 51%", ông nói.

Ông Cương cũng cho biết, năm 2016 vừa qua 8 doanh nghiệp điện ảnh của Việt Nam gửi thư cầu cứu lên các cơ quan chức năng vì bị CGV chèn ép về tỷ lệ ăn chia quá thấp cho phim Việt. Sự việc đẩy lên đến đỉnh điểm với việc CGV từ chối phát hành một bộ phim Việt vì không chấp nhận tỷ lệ ăn chia như phim ngoại.

"Điều đó đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh là các nhà làm phim Việt Nam không dễ đưa phim mình ra rạp nếu các chủ rạp nước ngoài không theo sự áp đặt và điều kiện chủ rạp nước ngoài đưa ra, điều đó khiến nhiều nhà làm phim và dư luận rất bất bình. Theo tôi biết CGV đã kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp trong nước cùng thống nhất và ký vào một bản đề xuất về tỷ lệ ăn chia của CGV để CGV xem xét. Nếu làm như vậy thì các doanh nghiệp Việt lại vi phạm Luật Cạnh tranh hiện hành", ông cho biết.

Ông Cương cũng nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp điện ảnh nước ngoài nắm giữ thị phần chi phối có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, đẩy doanh nghiệp điện ảnh nhỏ bé của Việt Nam tới chỗ phá sản. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam để mất hệ thống rạp thì sẽ khó đưa các bộ phim do Việt Nam sản xuất đến với khán giả, có nghĩa là nếu như không có hệ thống rạp của Việt Nam thì ngay phim Việt sẽ không được công chiếu ở Việt Nam".

Ông cũng dẫn một số quy định bất hợp lý tại Luật Cạnh tranh khi áp dụng vào ví dụ này và cho rằng: "Ví dụ trên đây cho thấy việc sửa đổi Luật Cạnh tranh phải tạo ra những quy định mới và rõ ràng hữu hiệu để nhà nước có thể có căn cứ điều tra, xử lý những vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, khắc phục tình trạng bỏ lọt hay khó chứng minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Từ đó ngăn ngừa các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm và thúc đẩy cạnh tranh có hiệu quả, thực hiện điều tiết về kinh tế, khắc phục những khiếm khuyết của thị trường".

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cũng cho biết, ông hoàn toàn tán thành ý kiến của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương và kêu gọi Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, có giải pháp cấp bách để cứu ngành điện ảnh Việt Nam đang bị điện ảnh nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh.

"Vừa qua nhiều cử tri, nhất là các doanh nghiệp quốc nội phản ánh nhiều điều bất hợp lý, bất công và muốn được Chính phủ và Quốc hội quan tâm giải quyết thông qua Luật Cạnh tranh, đó là trong khi hàng hóa và dịch vụ Việt Nam đang vất vả để giữ thị phần trên các thị trường nước ngoài, đang phải đấu tranh gian khổ để tồn tại trong nước, trước sức ép của các nhà đầu tư, tập đoàn bán buôn, bán lẻ, các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài", ông cho biết.

Ông Nghĩa cũng nhấn mạnh: "Một câu hỏi đặt ra, chúng ta hội nhập, mở cửa, thu hút đầu tư nước ngoài để làm gì. Câu trả lời phải là tăng cường nội lực Việt Nam, củng cố tăng cường chủ quyền Việt Nam để Việt Nam đuổi kịp thế giới bên ngoài, giữ vững và thậm chí mạnh hơn bên trong kể cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng".

Phương Dung

Đại biểu Quốc hội bàn chuyện hệ thống rạp CGV bị tố chèn ép doanh nghiệp Việt - 2