Đại biểu chất vấn, Bộ trưởng chỉ xin lỗi là xong?
(Dân trí) - Có những vấn đề nóng được đại biểu Quốc hội chất vấn, tuy nhiên sau lời xin lỗi và hứa hẹn của Bộ trưởng vẫn không được giải quyết thỏa đáng, triệt để. Trong kỳ làm việc này, Quốc hội sẽ đổi mới cách làm việc, theo đó sẽ truy đến cùng vấn đề và yêu cầu Bộ trưởng ngành qua các thời kỳ đều phải thực hiện.
Theo chương trình nghị sự, trong tuần tới, từ ngày 16–18/11, đại biểu Quốc hội sẽ có phiên chất vấn Thủ tướng và các Bộ trưởng về những vấn đề được cử tri, người dân quan tâm. Trao đổi với báo chí, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, khác với những kỳ họp trước, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa biết các đại biểu sẽ chất vấn các Bộ trưởng những vấn đề gì.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc khắc phục những tồn tại sau khi đã trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội?
Các bộ trưởng có trách nhiệm trong việc giải đáp những vấn đề đại biểu đặt ra và nỗ lực giải quyết những tồn tại của lĩnh vực mình. Tuy nhiên cũng có những nội dung chưa đạt yêu cầu lắm và có những vấn đề đang còn tiếp tục được đại biểu quan tâm chất vấn nhiều kỳ nhưng vẫn chưa giải quyết đạt như lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể như vấn đề về cơ cấu ngành nông nghiệp, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, thương hiệu hàng nông sản trên thị trường thế giới… Hay như đối với lĩnh vực y tế là tình trạng ngộ độc thức ăn, thực phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm; giá thuốc, giá dịch vụ y tế, tai nạn giao thông…
Đây đều là những vấn đề đang còn rất phức tạp và tôi cho rằng, những vấn đề này sẽ còn nhiều ý kiến.
Có những vấn đề được đại biểu đưa ra chất vấn qua các kỳ và nhận được lời xin lỗi từ các Bộ trưởng. Thế nhưng sau phiên chất vấn thì lời hứa của các Bộ trưởng vẫn chưa được thực hiện triệt để. Vậy những vấn đề đã đưa vào Nghị quyết của Quốc hội sẽ phải thực hiện thế nào khi Bộ trưởng đó kết thúc nhiệm kỳ làm việc?
Trong kỳ này, đại biểu sẽ hỏi những vấn đề đã được đưa vào Nghị quyết nhưng vẫn chưa thực hiện tốt, đang còn tồn tại của các ngành. Bộ trưởng ngành đó sẽ phải báo cáo cụ thể về những vấn đề đó, giải thích trước Quốc hội nguyên nhân tại sao thực hiện chưa đạt yêu cầu.
Về cơ bản sẽ truy đến cùng vấn đề đó. Sau khi chất vấn xong Quốc hội sẽ có Nghị quyết. Nghị quyết này sẽ gửi lại cho khóa sau để có sự theo dõi liên tục, đôn đốc thực hiện và giám sát thực hiện những vấn đề từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII vẫn chưa thực hiện xong.
Đây là một nội dung rất mới từ trước đến nay chưa làm bao giờ. Ngay cả hình thức chất vấn của kỳ họp này cũng là rất mới, chưa thực hiện lần nào. Tôi hy vọng đây cũng là sự đổi mới để không chỉ những vấn đề cử tri quan tâm được chất vấn mà còn được thực hiện triển khai trong thực tế.
Theo đó, Quốc hội sẽ ghi nhân những gì bộ trưởng ngành đó làm được, những gì chưa làm được thì nhiệm kỳ sau tiếp tục thực hiện, có sự kế thừa, nối tiếp.
Ý tôi muốn nói đến tính kế thừa của cán bộ trong ngành. Không phải cứ Bộ trưởng này hết nhiệm kỳ rồi thì những vấn đề không còn được thực hiện.
Những vấn đề tồn tại đó của khóa này chưa được thực hiện thì Bộ trưởng của ngành đó khóa sau phải kế thừa để giải quyết. Có nghĩa ngành đó phải giải quyết đến cùng những vấn đề đại biểu đã chất vấn. Đây là trách nhiệm của ngành đó chứ không phải là trách nhiệm của cá nhân bộ trưởng.
Vấn đề mua ngân hàng với giá 0 đồng là một tiền lệ và xuất hiện vào cuối nhiệm kỳ khóa XIII. Quốc hội cũng đã đưa vào Nghị quyết việc giám sát thực hiện. Vậy vấn đề này sẽ được theo dõi và giám sát như thế nào khi bắt đầu nhiệm kỳ mới?
Mua lại ngân hàng thương mại với giá 0 đồng là một giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và đảm bảo ổn định hệ thống cũng như an toàn xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.
Vừa qua, nhiều đại biểu cũng ghi nhận giải pháp này đã tạo sự ổn định cho hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế.
Tuy nhiên cũng không ít đại biểu đặt vấn đề về tính pháp lý, giải quyết nợ xấu ra sao. Đại biểu yêu cầu ngành ngân hàng phải cố gắng sau khi mua ngân hàng yếu kém về xử lý cho được vấn đề nợ xấu, những vấn đề tồn tại của ngân hàng và tránh sử dụng ngân sách nhà nước.
Tôi cho rằng những giải pháp của NHNN là rất tích cực. Tuy nhiên giải pháp này cũng phải căn cứ vào tính pháp lý và Quốc hội sẽ giám sát vấn đề này.
Đại biểu Quốc hội có chất vấn và yêu cầu giám sát vấn đề của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không thưa ông?
Hiện nay TPP vẫn chưa được các nước thành viên phê duyệt. TPP chỉ được thực hiện và có hiệu lực khi Quốc hội 12 nước thành viên phê duyệt. Chỉ cần Quốc hội 1 nước không phê chuẩn thì TPP không thể thực hiện được.
Đến nay cũng chưa có Quốc hội nước nào phê chuẩn cả và TPP mới công bố toàn văn bằng tiếng Anh.
Hiện Chính phủ cũng chưa yêu cầu Quốc hội thông qua vấn đề này vì vừa mới ký xong. Các bộ ngành có liên quan đang còn phải dịch sang tiếng Việt, sau đó triển khai phổ biến và Quốc hội sẽ nghiên cứu trên cơ sở những điều khoản trong hiệp định đó. Đại biểu Quốc hội phải được tiếp cận những điều khoản cụ thể của TPP trước khi có quyết định chính thức.
Xin cảm ơn ông!
Bích Diệp (ghi)