1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đại án VNCB: Chết vì thiếu hiểu biết?

(Dân trí) - Sau khi đẩy Trust Bank đến “cửa tử”, Hứa Thị Phấn đã khéo léo dùng những dự án bánh vẽ do mình tạo ra để "dụ kèo" Phạm Công Danh lao vào... thế thân. Về phía Danh, do bị cuốn hút bởi các bất động sản tưởng như béo bở nên đã tiếp nhận ngân hàng Trust Bank và buộc phải lao theo “vết xe đổ” của người tiền nhiệm.

Tạo dự án "bánh vẽ" để "dụ kèo"

Ngày 30/8, phiên tòa xét xử đại án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh và đồng phạm đã nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án.

Nói lời sau cùng, Phạm Công Danh khẳng định: "Tôi đã chấp nhận bỏ hết tài sản riêng của tôi vào để khắc phục hậu quả. Tôi có thể khắc phục 100% hậu quả vụ án này".

Điều đáng chú ý, trong lời nói sau cùng, Phạm Công Danh bất ngờ tiết lộ thông tin về khoản tiền 2.000 tỷ đồng mà mình đang bị "gánh nợ" thay cho bà Hứa Thị Phấn (còn gọi là Sáu Phấn), Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ.

"Khi tôi trả tiền cho Sáu Phấn thì khách hàng lớn nhất là nhóm Phương Trang đến nói chuyện với tôi bảo tôi là cần lấy lại ngay. Nhóm Phương Trang đòi tôi trả 2.000 tỷ đồng vì bà Phấn đã lấy của nhóm Phương Trang 2.000 tỷ đồng. Đây là con số mà tôi chưa từng công bố tại toà", bị cáo Danh nói.

Phạm Công Danh tiếp quản Trust Bank - chiếc thùng rỗng từ Hứa Thị Phấn (Ảnh: T.C)
Phạm Công Danh tiếp quản Trust Bank - "chiếc thùng rỗng" từ Hứa Thị Phấn (Ảnh: T.C)

Từ lời khai của Danh, một "mảng tối" còn khuất lại trong vụ án này dần được... hé lộ. Kết quả điều tra cho thấy, trong 2 năm 2009 - 2010, bà Hứa Thị Phấn đã bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng, nhờ người đứng tên mua lại 84,92% cổ phần để trở thành cổ đông lớn nhất Trust Bank.

Ngay khi lên nắm quyền, bà Phấn cùng với nhóm Phú Mỹ không những không giúp Trust Bank đi lên mà còn tìm cách bòn rút, "móc ruột" khiến ngân hàng ngày một suy yếu nghiêm trọng hơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông qua các cá nhân, nhóm bà Phấn đã vay tiền của Trust Bank để mua các bất động sản sau đó dùng làm tài sản đảm bảo nâng khống giá trị lên hơn 4.200 tỷ đồng để vay 3.581 tỷ đồng tại Trust Bank.

Bằng chiêu thức nâng khống giá trị thực để "rút ruột", Hứa Thị Phấn và nhóm Phú Mỹ đã gây ra lỗ nghiêm trọng cho Trust Bank. Chính hàng loạt dự án "bánh vẽ" mang tên bất động sản này mà Phạm Công Danh ảo tưởng về "sức khỏe" của Trust Bank nên đã "sống chết" mua bằng được ngân hàng này.

Mắc mưu vì không phân biệt được thật, giả?

Theo lời khai của Phạm Công Danh, lãnh đạo nhóm Thiên Thanh đến với Trust Bank thông qua Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương. Thời điểm đó, ông Thắm cũng muốn "mua" Trust Bank nhưng Ngân hàng Nhà nước không đồng ý. Vì thế, Hà Văn Thắm đã giới thiệu Danh tiếp cận nhóm Phú Mỹ. Xem đây là cơ hội "ngàn năm có một", Danh đã ngay lập tức quyết định bỏ tiền tham gia tái cơ cấu ngân hàng này.

Để tiếp nhận Trust Bank vào tháng 6/2012, Phạm Công Danh đã đưa cho Thắm 500 tỷ đồng (tiền môi giới). Đồng thời, ông chủ Tập đoàn Thiên Thanh thỏa thuận trả cho nhóm cổ đông của bà Hứa Thị Phấn số tiền là 4.600 tỷ đồng để tiếp nhận cả nợ nần cũng như toàn bộ tài sản thế chấp của các khách hàng tại Trust Bank.

Được biết, tổng số tiền Danh đã trả cho nhóm Phú Mỹ là 3.658 tỷ trên tổng số 4.600 phải trả. "Ông trùm" này cũng quả quyết, số tiền mà Thiên Thanh trả cho nhóm của bà Phấn không phải là tiền mua cổ phần, mà là tiền để nhận các tài sản của VNCB bao gồm: đất Nhà Bè, Q.2, Công ty cổ phiếu Đại Việt và công ty cổ phần bảo hiểm Hùng Vương… Vào thời điểm đó, những tài sản này được định giá 7.000 tỷ đồng.

"Tôi tin rằng, trong bối cảnh bất động sản khó khăn nhưng thêm thời gian thì tài sản sẽ lên giá, chứ không phải tôi trả tiền mua cổ phiếu. Tiền này tôi trả để lấy lại tài sản đó", Phạm Công Danh khai.

Tuy nhiên, sau đó Danh mới biết mình bị "sập bẫy". Bởi lẽ, tất cả những tài sản mà bà Phấn và nhóm Phú Mỹ để lại không thể lấy ra sử dụng cũng như không thể đem ra bán được như Danh kỳ vọng vì khối tài sản này đang bị các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý.

Bà Hứa Thị Phấn (Ảnh: T.C)
Bà Hứa Thị Phấn (Ảnh: T.C)

Theo lời khai của Phan Thành Mai (trợ thủ đắc lực của Phạm Công Danh), vào thời điểm tháng 10/2013, trong cuộc làm việc giữa nhóm Phương Trang và đại diện VNCB dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, nhóm Phương Trang đã trình bày và đưa ra chứng cứ lập luận rằng các hồ sơ trong quá trình vay và chuyển tiền thì nhóm Phương Trang bị giả mạo giấy tờ, giả mạo chữ ký.

Đồng thời, nhóm này cũng không nhận được các khoản tiền đầy đủ như trong trong hồ sơ. Mặt khác, số tiền trên hợp đồng của nhóm Phương Trang thì lại được chuyển sang cho Phú Mỹ. Theo Phan Thành Mai, các bằng chứng và toàn bộ hồ sơ liên quan tới vấn đề này có lưu tại VNCB và Ngân hàng Nhà nước đã kí xác nhận trên đó.

Từ đó, Phan Thành Mai cho rằng, vụ việc nói trên đã khiến Phạm Công Danh không biết đâu là sự thật, đâu là giả. Ngoài ra, Mai cũng nhận định, điều đó làm cho "ông trùm" mập mờ thông tin và không biết phải giải quyết các vấn đề như thế nào.

Như vậy, liệu chăng Phạm Công Danh chỉ là kẻ "bị ép buộc" phải hủy diệt Trust Bank do mắc mưu của Hứa Thị Phấn?

Ngày 16/8, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa cũng đã đề nghị khởi tố bà Hứa Thị Phấn cùng với nhóm Phú Mỹ để điều tra, làm rõ các hành vi liên quan trong đại án VNCB.

Công Quang