Đà Nẵng đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm
(Dân trí) - UBND TP Đà Nẵng vừa có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm trình HĐND thành phố trong kỳ họp dự kiến diễn ra vào giữa tháng 8 này.
Trong đó, UBND TP Đà Nẵng báo cáo đề xuất 3 kịch bản cho 6 tháng cuối năm và lựa chọn kịch bản chung về tăng trưởng kinh tế năm nay.
Theo báo cáo, kịch bản tăng trưởng năm 2021 của TP Đà Nẵng được xây dựng dựa trên những dự báo chung về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2021, kết quả thực hiện năm 2020, 6 tháng đầu năm và khả năng khống chế dịch bệnh của thế giới, Việt Nam và của TP Đà Nẵng trong thời gian đến.
Theo UBND TP Đà Nẵng, ước tính GRDP 6 tháng đầu năm nay của thành phố tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2020 (tăng nhẹ 1,05% so với cùng kỳ năm 2019); trong đó, khu vực dịch vụ chiếm trên 60% trong cơ cấu GRDP.
"Sự phục hồi của khu vực này (riêng dịch vụ du lịch vẫn rất khó khăn) tiếp tục đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, cùng với đó là khu vực công nghiệp và xây dựng cũng đang dần lấy lại đà tăng trưởng", báo cáo nêu rõ.
Chính quyền TP Đà Nẵng cũng nhận định, điểm tích cực trong 6 tháng đầu năm nay là giá trị tăng thêm (VA) của 15 trên tổng số 21 ngành kinh tế cấp I, với quy mô chiếm gần 83% trên tổng VA toàn nền kinh tế của Đà Nẵng đều đạt mức tăng trưởng dương.
Theo các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm và cả năm 2021 của Đà Nẵng, nếu tiếp tục kiểm soát được tình hình tốt hơn trạng trái từ đầu năm đến nay, dự kiến 6 tháng cuối năm, các hoạt động kinh tế của thành phố sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng ổn định.
Mặc khác, do 6 tháng cuối năm 2020, kinh tế của TP Đà Nẵng giảm khá sâu ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; do vậy, 6 tháng cuối năm nay, kỳ vọng GRDP sẽ phục hồi tăng trưởng và tăng cao hơn 6 tháng đầu năm là hoàn toàn khả thi.
Từ những nhận định này, UBND TP Đà Nẵng đưa ra đề xuất 3 kịch bản cho 6 tháng cuối năm 2021 và lựa chọn kịch bản chung về tăng trưởng kinh tế năm 2021 của TP Đà Nẵng.
Kịch bản 1: Kịch bản thuận lợi, dự kiến dịch Covid-19 được kiểm soát tốt cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021. Tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm đạt mức tăng khoảng 7% (quy mô GRDP tương đương khoảng 92% của 6 tháng cuối năm 2019, ngang mức bình quân của 2 năm 2018, 2019).
Trong đó, các khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 7,2%, 5,8% và 2,6%.
Theo đó, tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ đạt mức 6%, các khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm và thủy sản lần lượt là 6,3%, 4,4% và 1,2%. Thu nội địa cả năm ước đạt gần 19 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 104% dự toán HĐND thành phố giao; nếu không kể tiền sử dụng đất (hơn 3,3 nghìn tỷ đồng) thì ước thu nội địa là gần 15,7 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 105% dự toán được giao, xấp xỉ 100% so với cùng kỳ.
Để đạt được kịch bản này, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP phải duy trì phục hồi và tăng trưởng ổn định, mức tăng một số ngành dự kiến như sau: Công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,5-5%); thương mại (tăng 8,5-9%), thông tin và truyền thông (tăng 6,5-7%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8%.
Kịch bản 2: Kịch bản chưa thuận lợi, dự kiến dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát từ cuối quý III/2021. Tình hình tăng trưởng GRDP tương đương như 6 tháng đầu năm. Tốc độ GRDP 6 tháng cuối năm đạt mức tăng gần 5% (quy mô GRDP tương đương gần 90% của 6 tháng cuối năm 2019).
Trong đó, các khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; nông - lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 5,3%, 3,5% và 2,7%.
Theo đó, tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ đạt mức 4,5-5%, các khu vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; nông - lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng trưởng lần lượt là 5,2%, 3,2% và 1,2%. Thu nội địa cả năm 2021 ước đạt 18.404 tỷ đồng, đạt 101,2% dự toán HĐND thành phố giao; nếu không kể tiền sử dụng đất (3.304 tỷ đồng) thì ước thu nội địa là 15.100 tỷ đồng, đạt 101,4% dự toán được giao, bằng 96,8% so với cùng kỳ.
Theo kịch bản này, 6 tháng cuối năm 2021 không có đột phá về tăng trưởng GRDP, khi đó cả năm 2021 kinh tế dự kiến tăng trưởng gần 5%. Kịch bản này xảy ra khi trong 6 tháng cuối năm phần lớn các ngành sẽ duy trì mức tăng trưởng tương đương hoặc cao hơn một ít so với 6 tháng đầu năm.
Một số ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn dự kiến có tăng nhưng mức độ thấp hơn kịch bản một như công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 3-3,5%); thương mại (tăng 5,5-6%); thông tin và truyền thông (tăng 3-3,5%)...
Kịch bản 3: Kịch bản điều kiện xấu, dự kiến dịch Covid-19 chưa được kiểm soát trong quý III và quý IV/2021. Tốc độ tăng trưởng GRDP có thể thấp hơn 6 tháng đầu năm 2021, 6 tháng cuối năm sẽ chỉ đạt dưới 3,5% (quy mô GRDP tương đương khoảng 85% của 6 tháng cuối năm 2019).
Theo đó, tốc độ tăng GRDP năm 2021 sẽ ở mức dưới 4% (khi đó quy mô GRDP năm 2021 chỉ xấp xỉ năm 2018). Thu nội địa cả năm 2021 ước đạt 17.514 tỷ đồng, đạt 96,27% dự toán HĐND thành phố giao; nếu không kể tiền sử dụng đất (3.304 tỷ đồng) thì ước thu nội địa là 14.210 tỷ đồng, đạt 95,4% dự toán được giao, bằng 91% so với cùng kỳ, hụt thu so với dự toán là 683 tỷ đồng.