Đà Nẵng cung ứng thực phẩm thế nào cho người dân ở nhà thêm 10 ngày?

Công Bính

(Dân trí) - TP Đà Nẵng quyết định "ai ở đâu ở yên đấy" thêm 10 ngày. Tuy nhiên, khâu hậu cần cho người dân vẫn là chủ đề "nóng", có những băn khoăn về việc khó mua, đặt hàng thiết yếu.

Đà Nẵng cung ứng thực phẩm thế nào cho người dân ở nhà thêm 10 ngày? - 1

Bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho rằng, hàng hóa đảm bảo nhu cầu cho người dân ở nhà thêm 10 ngày.

Chiều 25/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng - cho biết, để chuẩn bị việc cung ứng hàng hóa, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội thêm 10 ngày, Sở chủ động phương án dự trữ hàng hóa, yêu cầu các đơn vị tăng cường nguồn cung hàng hóa đảm bảo nhu cầu cho người dân.

Theo bà Phương, cùng với sự chủ động dự trữ hàng hóa của người dân và sự hỗ trợ kinh phí, hàng hóa của thành phố, các nhà tài trợ nên trong thời gian đầu đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân.

Tuy nhiên từ ngày 22/8 đến nay, nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm của người dân không còn nhiều, nhu cầu đặt hàng tăng cao. Trong khi đó, năng lực cung ứng của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối chỉ đáp ứng tối đa 25-30% nhu cầu trong điều kiện bình thường bị hạn chế do phải đảm bảo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch (lượng nhân viên, số lượng phương tiện vận chuyển bị hạn chế...).

Đà Nẵng cung ứng thực phẩm thế nào cho người dân ở nhà thêm 10 ngày? - 2

Người dân đi mua hàng dự trữ trước khi TP Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội "ai ở đâu ở yên đấy" vào ngày 12/8.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, do các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa... (bình thường đáp ứng từ 70-75% nhu cầu của người dân) dừng hoạt động nên khi nhu cầu mua hàng hóa tăng cao trong cùng một thời điểm dẫn đến tình trạng quá tải trong việc cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố.

Nhằm giải quyết những khó khăn nêu trên, kịp thời tăng thêm năng lực cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của người dân trong thời gian đến, lãnh đạo Sở Công Thương đã đề xuất UBND thành phố thống nhất cho phép các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối được bố trí tối đa 100% số người làm việc.

Ngoài ra, cho phép những người tham gia hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (shipper) được hoạt động; đề xuất cho phép lò giết mổ Đà Sơn hoạt động trở lại; kết nối, phối hợp với các đơn vị để tổ chức bán hàng lưu động; tổ chức mua và phân phối 50.000 suất hàng hóa thiết yếu đến các quận, huyện để hỗ trợ cho các hộ dân khó khăn.

"Sở Công Thương tiếp tục đề xuất UBND thành phố cho phép mở lại hoạt động một số chợ truyền thống, chợ đầu mối, các cửa hàng tạp hóa; tăng cường thêm các điểm bán hàng lưu động, chợ tạm trên nguyên tắc phải đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch; huy động, bổ sung lực lượng để hỗ trợ Ban điều hành khu dân cư trong việc mua sắm lương thực, thực phẩm cho người dân", bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng nói.