Xe nhập về nhỏ giọt, nguy cơ “sốt ảo” vì dịch covid-19

(Dân trí) - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 2/2020, số xe nhập khẩu về Việt Nam chạm ngưỡng 4.500 chiếc, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Số lượng xe nhập tăng chậm, có chiều hướng giảm mạnh so với các năm trước đây chắc chắn có sự ảnh hưởng không nhỏ của dịch viêm phổi cấp covid-19 do chủng mới của virus corona gây nên.

Xe nhập về nhỏ giọt, nguy cơ “sốt ảo” vì dịch covid-19 - 1

Xe nhập về Việt Nam nhỏ giọt, nếu tiếp diễn tình trạng này, một số mẫu xe có thể bị sốt ảo

Lượng nhập xe so với cùng kỳ năm trước suy giảm gần 400 chiếc dù 15 ngày của tháng 2/2019 đã rơi vào 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Trong khi đó, tháng 2 năm nay đã ra khỏi những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, nhưng so với cùng thời điểm những tháng cuối năm 2019 thì lượng xe nhập vẫn có chiều hướng suy giảm.

Về giá trị xe nhập khai báo hải quan, bình quân nửa đầu năm 2020, xe nhập về Việt Nam có giá bình quân 516 triệu đồng/chiếc, trong đó xe dưới 9 chỗ ngồi vào khoảng 476 triệu đồng/chiếc.

Mức giá nhập xe về Việt Nam đang giữ ổn định ở phân khúc phổ thông, các loại xe đều được nhập chủ yếu từ Thái Lan, Indonesia. Tuy nhiên, việc nhập xe về chậm hơn so với trước đây cũng được nhiều đại lý tính đến bởi nhu cầu quý 1 thường suy giảm, bắt đầu tăng nhanh vào quý 2, nửa đầu quý 3.

“Nếu tình hình dịch viêm phổi cấp covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, nhu cầu thị trường xuống thấp thì có thể lượng xe về sẽ thấp hơn nữa. Từ cuối năm 2019, các mẫu xe đều giảm giá, chiết khấu để bù đắp doanh số. Nếu sang quý 3 và quý 4, nhu cầu tăng, một số dòng xe, mẫu xe nhập ít có thể tạo nên xu hướng khan hiếm cục bộ”, ông Mạnh, nhân viên kinh doanh xe hơi tại Nghi Tàm, Hà Nội cho biết.

Theo ông Mạnh, các hãng không nhập về ồ ạt bởi năm 2021 sẽ có nhiều mẫu xe ra mắt thị trường Việt Nam, mới nhất là Kia Sorento 2021, Optima 2021, Fortuner 2021,SantaFe 2021… cùng một loạt mẫu xe khác lên đời sẽ khiến các hãng xe nhập không dám nhập ồ ạt.

“Thay xe đời cũ để lên đời mới, các hãng thường phải bán giá thấp đi. Thị trường Việt, hiện rất nhiều dòng xe như hatchback, SUV và MPV cỡ nhỏ, đô thị đã rất chật hẹp, nếu dư cung sẽ bắt buộc phải bán giá thấp, điều đó không có lợi cho các hãng xe”, ông Mạnh phân tích.

Theo một số nhà phân phối xe nhỏ lẻ, tư nhân, việc nhập nhỏ giọt khiến các doanh nghiệp rất khó đặt hàng. Tình trạng lên giá các mẫu xe doanh số cao trên thị trường bắt đầu được ghi nhận.

Hiện các mẫu như Mitsubishi Xpander vẫn chủ yếu được nhập từ Indonesia, lượng xe lắp ráp trong nước chưa có, đây cũng là mẫu có doanh số bán ra rất cao thời gian qua. Mẫu thứ 2 là Honda CRV hiện nay cũng chủ yếu nhập Thái, hiện ở một số đại lý tại Hà Nội còn hàng, song một số tỉnh chỉ còn bán được trong tháng 2, nếu giảm nhập, nguy cơ sẽ thiếu cho các tháng sau. 

Trong khi các xe nhập giảm số lượng về Việt Nam, các hãng xe trong nước cũng không dám tăng lượng lắp ráp, một số ông lớn kinh doanh xe trong nước chỉ lắp ráp bằng 60% năm trước. Thậm chí, có hãng phải đẩy nhân viên tiếp thị đi chào hàng bán xe cho quý 2, 3 với nhiều ưu đãi đặc biệt; hay có hãng xe phải thuê nghiên cứu thị trường độc lập mới dám lên kế hoạch lắp ráp các dòng xe tại Việt Nam.

An Linh