1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Đã có 53 tập đoàn, tổng công ty xây dựng đề án tái cơ cấu

(Dân trí) - Tính đến tháng 8 đã có 53 tập đoàn, tổng công ty xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó có 9 đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện tại, các tập đoàn, tổng công ty đang tích cực thực hiện biện pháp để thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Các tập đoàn, tổng công ty đang tích cực thực hiện biện pháp để thoái vốn đầu tư ngoài ngành
Các tập đoàn, tổng công ty đang tích cực thực hiện biện pháp để thoái vốn đầu tư ngoài ngành
(ảnh minh họa).

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, công tác sắp xếp lại, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang được tiếp tục triển khai thực hiện.

Tính đến hết tháng 7/2012, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.857 doanh nghiệp nhà nước và bộ phận doanh nghiệp nhà nước, trong đó cổ phần hoá 3.952 doanh nghiệp nhà nước, chiếm 67,4% tổng số doanh nghiệp nhà nước (khối Trung ương là 1.658 doanh nghiệp, khối địa phương 2.294 doanh nghiệp). Các hình thức sắp xếp khác, như chuyển sang công ty TNHH một thành viên, sáp nhập, hợp nhất, giao, bán... là 1.905 doanh nghiệp nhà nước.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ 2011-2015 sẽ thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hoá đối với 899 doanh nghiệp nhà nước, riêng năm 2012 là 93 doanh nghiệp nhà nước.

Năm 2012, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã triển khai mạnh mẽ nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, tiết giảm từ 5% - 10% chi phí quản lý. Tổng số tiền tiết kiệm do tiết giảm chi phí năm 2012 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đăng ký là 12.548,7 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng chi phí đã thực hiện tiết giảm được theo báo cáo của các tổng công ty, tập đoàn là 4.433 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Tài chính, hiện các tập đoàn, tổng công ty đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh các dự án cho phù hợp với khả năng huy động vốn, đình hoãn, giãn tiến độ các dự án chưa cấp bách và không làm ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; sắp xếp lại các dự án đầu tư theo hướng tập trung cho lĩnh vực kinh doanh chính; tiết giảm tối đa chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo, mua sắm tài sản, điều chuyển vốn hợp lý... để tiếp tục thực hiện tiết giảm chi phí theo kế hoạch.

Nguồn tin cho hay, Chính phủ đã và đang nỗ lực, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu DNNN. Trong đó việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thể chế, cơ chế quản lý DNNN và chuyển đổi DNNN đã được ban hành khá đồng bộ. DNNN có giảm về số lượng, nhưng DNNN trong những ngành, lĩnh vực quan trọng thì quy mô vốn tăng lên, hiệu quả hoạt động tốt hơn, cơ bản thực hiện được vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước, làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội...

Nhiều tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có lãi, là chủ lực trong việc bảo đảm các cân đối lớn, có vai trò giúp Nhà nước trong việc bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, ổn định xã hội, ngăn ngừa suy giảm kinh tế… Tuy nhiên, trong thời gian qua, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ. Công tác quản trị doanh nghiệp chậm đổi mới. Việc quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN còn bất cập.

Một số tập đoàn, tổng công ty kinh doanh thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai thấp; một số lãnh đạo có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, gây lãng phí…

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm