Cựu Thứ trưởng Kim Thoa rút lui, cơ sở lớn của đại gia đình tụt dốc

Ông lớn đầu ngành lao dốc với những kết quả thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ở vào thời điểm cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa không còn là cổ đông lớn với thương vụ bán cổ phiếu trong năm qua.

Nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận sau thuế sụt giảm gần 14% so với năm 2017 xuống còn 95 tỷ đồng là do giá vốn hàng bán tăng mạnh thêm gần 19%. Trong các năm 2014, 2015, 2016 và 2017, DQC lần lượt ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 237 tỷ đồng, 207 tỷ đồng, 203 và 109 tỷ đồng.

Trong khi đó, đối thủ của Điện Quang là Bóng đèn Rạng Đông (RAL) chứng kiến lợi nhuận sau thuế đạt hơn 204 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,6% nhưng vượt 25,7% chỉ tiêu lợi nhuận được giao.

Bóng đèn Rạng Đông ghi nhận thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) ở mức rất cao, gần 18.000 đồng/cp. Đây là lý do khiến giá cổ phiếu RAL ở mức cao, khoảng 82.000 đồng/cp, so với mức 28.000 đồng/cp của DQC.

Một điểm khó khăn của 2 doanh nghiệp bóng đèn Việt là chi phí nói chung gia tăng khá mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và mức độ cạnh tranh trên thị trường ngày một tăng lên.

Cho dù có nhiều cải tiến và đưa ra nhiều sản phẩm mới đèn LED hữu dụng và giá rẻ hơn nhưng cả Điện Quang và Rạng Đông đều chịu áp lực cạnh tranh lớn từ hàng Trung Quốc. 

Cựu Thứ trưởng Kim Thoa rút lui, cơ sở lớn của đại gia đình tụt dốc - 1

Lợi nhuận sau thuế xuống dưới ngưỡng 100 tỷ đồng.

Vài năm trước đây, Bóng đèn Điện Quang được xem là doanh nghiệp đầu ngành với thị phần lớn và lợi nhuận cao đến từ những khoản thu lớn từ hoạt động tài chính từ khách hàng Cuba. Tuy nhiên, khoản thu này đã hết và DQC hiện còn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đơn vị tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.

Bóng đèn Điện Quang và giá cổ phiếu DQC trong thời gian qua biến động mạnh gắn liền với những biến cố trong gia đình bà cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.

Gần cuối 2018, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chính thức không còn là cổ đông lớn với thương vụ bán gần hết cổ phần Điện Quang ở vào thời điểm doanh nghiệp không còn đỉnh cao.

Bà Hồ Thị Kim Thoa bị kỷ luật khiển trách hồi tháng 1/2017 do vi phạm, khuyết điểm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh trái quy định; thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định khi ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ.

Bà Thoa sau đó bị Ban Bí thư miễn nhiệm chức vụ ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đề nghị Thủ tướng miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương do còn liên quan đến một loạt những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình cổ phần hoá Bóng đèn Điện Quang và kê khai tài sản, thu nhập không đúng. Đến ngày 16/8/2017, bà Thoa chính thức mất chức Thứ trưởng.

Mặc không còn là cổ đông lớn DQC, các thành viên trong gia đình bà Thoa vẫn nắm giữ số lượng cổ phần lớn tại công ty này. 

Cựu Thứ trưởng Kim Thoa rút lui, cơ sở lớn của đại gia đình tụt dốc - 2

Cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa từng là cổ đông lớn của DQC.

Theo báo cáo, nhà cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa hiện vẫn nắm giữ 29,3% cổ phần tại CTCK Bóng đèn Điện Quang DQC.

Em trai bà Thoa - ông Hồ Quỳnh Hưng, chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Điện Quang - hiện nắm giữ hơn 2,5 triệu cổ phiếu DQC. Mẹ ông Hưng và bà Thoa - bà Trần Thị Xuân Mỹ sở hữu 3,56%.

Hai con gái của bà Hồ Thị Kim Thoa hiện vẫn đang nắm giữ các vị trí quan trọng tại Bóng đèn Điện Quang và nắm một số lượng cổ phiếu lớn tại doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước này. Bà Nguyễn Thái Nga hiện là thành viên HĐQT kiêm phó TGĐ và nắm giữ hơn 4,1 triệu cổ phần DQC (13,2%). Bà Nguyễn Thái Quỳnh Lê sở hữu hơn 2,2 triệu cổ phần DQC.

Trong năm 2018, DQC đã 3 lần trả cổ tức mỗi lần 15% bằng tiền mặt, tương đương tổng cộng 4.500 đồng/cp. Khi đó, nhóm cổ đông có liên quan đến cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, nắm giữ hơn 34% cổ phần, nhận về hàng chục tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhóm ngân hàng quay đầu tăng giá với các gương mặt nổi bật như: Vietcombank, Techcombank, Vietinbank, Eximbank, MBBank,... Một số cổ phiếu chứng khoán và bất động sản cũng diễn biến tích cực.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

CTCK SHS cho rằng, VN-Index có thể sẽ diễn biến giằng co và rung lắc do đã tiếp cận với vùng kháng cự 915-920 điểm (MA50). SHS duy trì khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục hạn chế hoạt động mua vào trong giai đoạn này và có thể tận dụng những nhịp tăng điểm vào mục đích cơ cấu lại danh mục.

Theo KIS, tâm lý thị trường duy trì sự tích cực, tuy nhiên VN-Index vẫn sideway trong biên độ hẹp và hiệu ứng Tết vẫn tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Trong ngắn hạn, ngưỡng kháng cự quan trọng là đường MA50, quanh 918 điểm, do đó rủi ro điều chỉnh vẫn duy trì. Nhà đầu tư nên thận trọng và cân nhắc giảm dần tỷ trọng danh mục trong trường hợp tín hiệu xấu xuất hiện.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/1, VN-Index tăng 3,75 điểm lên 915,93 điểm; HNX-Index tăng 0,06 điểm lên 102,37 điểm. Upcom-Index tăng 0,05 điểm lên 54,06 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 150 triệu đơn vị, trị giá 3,5 ngàn tỷ đồng.

Theo H. Tú
VietnamNet

bannerchan-bai.gif