1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cựu Phó Thủ tướng Đức gốc Việt: Tài sản lớn nhất của Việt Nam chính là giới trẻ

(Dân trí) - Cho rằng "giới trẻ cũng là tài sản Việt Nam đáng tự hào và có thể là chìa khóa để thu hút đầu tư nước ngoài", ông Rösler cũng khẳng định: "Nâng cao năng lực của thanh niên là cách tốt nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, khu vực công cần phối hợp với khu vực tư để làm được điều đó".

Cựu Phó thủ tướng Đức gốc Việt khẳng định, tài sản lớn nhất của Việt Nam chính là giới trẻ.
Cựu Phó thủ tướng Đức gốc Việt khẳng định, tài sản lớn nhất của Việt Nam chính là giới trẻ.

Phát biểu trong phiên khai mạc Vietnam Business Summit (VBS) 2017 diễn trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC, ông Philipp Rösler - Giám đốc điều hành, thành viên Hội đồng quản trị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho rằng: “Tính đến nay, tài sản lớn nhất của Việt Nam không phải dầu khí, công nghệ, cơ sở hạ tầng mà chính là người dân. Và ở đây, tôi xin nói với ngài Thủ tướng, đó là giới trẻ".

Cho rằng "giới trẻ cũng là tài sản Việt Nam đáng tự hào và có thể là chìa khóa để thu hút đầu tư nước ngoài", ông Rösler cũng khẳng định: "Nâng cao năng lực của thanh niên là cách tốt nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, khu vực công cần phối hợp với khu vực tư để làm được điều đó".

Theo ông Rösler, để khai thác hiệu quả nhất tài sản này thì cần sự phối hợp hiệu quả giữa lĩnh vực công tư.

Theo đó, dẫn ví dụ về vai trò của hợp tác công tư, ông Rösler cho biết: “Tôi từng phụ trách mảng đào tạo nghề ở Đức, một hình mẫu thể hiện hợp tác công tư mạnh mẽ. Đức là quốc gia rất đề cao việc tuân thủ pháp luật. Tất cả các quy định về nghề nghiệp, tiêu chí tuyển dụng đều được mô tả kỹ lưỡng trong luật Liên bang. Trong khi đó, doanh nghiệp được tự do thực hiện việc mô tả về nghề nghiệp và thậm chí là đặt tên cho các ngành nghề khác nhau”.

Nói cụ thể hơn, ông cho biết: "Mỗi tuần, công nhân đến công ty làm việc 3 ngày nhưng được nhận lương cho 5 ngày. Những ngày còn lại, họ tham gia các khóa đào tạo nghề. Đằng sau chương trình đào tạo nghề này chính là thành công giữa hợp tác công và tư".

Theo ông, các doanh nghiệp luôn trao đổi thẳng thắn với các cơ quan chức năng về nhu cầu tuyển dụng cũng như các vấn đề khác liên quan đến lao động. Sự hợp tác chặt chẽ của cả hai bên giúp định hình rõ ràng những công việc cụ thể, tiêu chí nghề nghiệp và nhu cầu tuyển dụng để các cơ quan chức năng có thể thiết lập một khuôn khổ pháp lý cụ thể.

“Đúng là Việt Nam có nguồn tài nguyên đa dạng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, về lâu dài, hợp tác công - tư cần được đẩy mạnh hướng tới giới trẻ - “khối tài sản lớn nhất” của đất nước các bạn”, ông Philipp Rösler khuyến nghị.

Đồng quan điểm, phát biểu tại Hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế Giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng cho rằng, dù tăng trưởng hiện tương đối bền vững song tăng trưởng lực lượng lao động thấp hơn, tăng trưởng đầu tư yếu hơn và tăng trưởng năng suất thấp hơn.

Theo chuyên gia này, Việt Nam cần phải hướng đến mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất. Trong đó, ba trụ cột của mô hình này là đầu tư vào con người, phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện thể chế chính sách.

"Trong đó, đầu tư cho con người đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chậm lại”, bà Kwa Kwa nói.

Vị chuyên gia dẫn dữ liệu của WB cho biết, tỷ lệ lao động có kỹ năng của Việt Nam vẫn còn thấp. Theo nghiên cứu năm 2009, tỷ lệ dân số trên 25 tuổi có trình độ đại học thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia… Cho đến nay, tỷ lệ dân số có trình độ đại học đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn vấn đề phải lưu ý.

“Đầu tư vào con người tức là phải đầu tư vào các kỹ năng và lực lượng lao động thế kỷ 21. Nó bao gồm hoàn thành phổ cập giáo dục phổ thông trung học. Trong khi đó, giáo dục đại học phải phù hợp và chất lượng”, bà Victoria Kwakwa khuyến nghị.

Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng từ năm 2007, với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam có khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động - nền tảng cơ hội vàng cho để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tỷ trọng nhóm dân số dưới 15 tuổi cũng mang đến cơ hội lớn cho việc tăng nguồn lực đầu tư cho y tế, giáo dục, phát triển. Dân số trong độ tuổi lao động tăng nhanh còn giúp cho thị trường tiêu thụ được mở rộng.

Tuy nhiên, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, thời kỳ dư lợi dân số này sẽ kéo dài khoảng 34 năm và kết thúc vào khoảng năm 2041. Đặc biệt, thời kỳ dân số vàng và già hóa dân số diễn ra cùng một lúc, do vậy, Việt Nam cần có những chính sách phù hợp để tận dụng các cơ hội dân số, thúc đẩy phát triển đất nước.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm