“Cứu” bất động sản như cứu hỏa!
(Dân trí) - Một năm qua đi, Bộ Xây dựng đã có những chính sách nhà ở theo hướng dùng nhà ở xã hội để “cứu” thị trường bất động sản. Nhưng liệu doanh nghiệp có chịu giảm giá bán nhà và người dân sẽ đủ tiền mua…?
Cơ cấu lại dự án theo cách… nhân văn
2012 là năm khởi động cho Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt tháng 11/2011 với hàng loạt các mục tiêu cụ thể. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015, phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
3 năm qua, đã có 54 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với 23 dự án đã hoàn thành đáp ứng cho gần 4,4 vạn người có thu nhập thấp. Tuy vậy, các doanh nghiệp tham gia đầu tư phân khúc này chưa hề được hưởng các ưu đãi về thuế, dẫn tới tình trạng giá nhà ở xã hội vẫn còn cao so với thu nhập của người lao động.
Trong khi đó, cả một năm 2012 thị trường bất động sản trong tình trạng đóng băng, rất ít giao dịch khiến các doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh vô cùng khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định: Đây là hệ quả sau thời kỳ phát triển cao trào, chạy theo nhu cầu ảo. Một thời gian dài, cứ có đất là quy hoạch làm dự án nhà ở, đầu tư tự phát, làm theo phong trào…
Thống kê từ 44 tỉnh, thành cho thấy có tới 2399 dự án, xấp xỉ khoảng 71.000 ha đất cho bất động sản. Riêng Hà Nội hiện nay có 368 dự án với khoảng 20.000 ha cho bất động sản, trong đó những dự án đang triển khai chiếm khoảng 40% (tức là 8.000 ha với 233 dự án).
Ước tính, hiện có trên 16 nghìn căn hộ chung cư đang bị dư thừa với phân khúc chủ yếu là hàng cao cấp và hàng trung bình ở mức độ cao, còn sản phẩm bất động sản cho người thu nhập thấp, những đối tượng hưởng chính sách xã hội thì rất ít. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn 2012-2020, còn rất lớn ước tính khoảng trên 900 nghìn căn.
Chính vì vậy, để giải quyết tình trạng dư thừa, ngay lập tức lãnh đạo Bộ Xây dựng đã đề xuất giải pháp “cứu” thị trường bất động sản bằng nhà ở xã hội. Theo Bộ trưởng, cần phải cơ cấu lại các dự án để cứu BĐS nhưng làm theo cách nhân văn là làm nhà ở cho người nghèo mà doanh nghiệp vẫn có lãi.
“Cứu” BĐS phải như cứu hỏa
Trước quyết tâm “tháo ngòi nổ cho BĐS phải là vấn đề cấp bách và phải như cứu hỏa” như Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã từng khẳng định, trong năm 2012, Bộ Xây dựng đã tập trung cụ thể hóa Chiến lược nhà ở bằng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội.
Điển hình là việc xây dựng Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội đã được Bộ trình Chính phủ đầu tháng 12/2012. Trong đó, Bộ đã đề nghị thêm một số ưu đãi mới như: nới rộng điều kiện được mua nhà ở xã hội, cho thí điểm xây dựng căn hộ có diện tích tối thiểu 25 m2, người mua được bán lại nhà ở sau 5 năm;
Chủ đầu tư được kinh doanh theo giá thương mại 20% số nhà ở trong dự án để giảm giá nhà ở xã hội; có chính sách tín dụng với lãi suất ưu đãi, thời hạn vay tối thiểu 10 năm để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để mua, thuê mua nhà xã hội…
Bộ Xây dựng cũng đề nghị phối hợp với các địa phương trọng điểm rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới để xác định các quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội; ký kết với Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Chương trình phối hợp hành động triển khai Chiến lược phát triển nhà ở;
Đồng thời, phối hợp với một số ngân hàng lớn dành các gói tín dụng để cho doanh nghiệp vay phát triển nhà ở xã hội và cho người dân vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Rõ ràng, tất cả những gì ngành xây dựng đang triển khai đều hướng tới mục đích mà cả xã hội mong muốn đó là: Người dân có nhà, doanh nghiệp thì có việc làm, thu nhập, thị trường BĐS phát triển sẽ làm cho nền kinh tế sôi động, kích thích tiêu dùng… Song để điều này trở thành hiện thực sẽ là cả một thách thức.
Bởi thực tế, không dễ để doanh nghiệp đồng thuận chuyển từ giá nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, và càng không đơn giản để người thu nhập thấp khu đô thị có đủ điều kiện và tài chính để mua nhà.
Do đó, nếu không có những chính sách linh hoạt, hỗ trợ kịp thời cho cả hai phía doanh nghiệp và người dân thì bài toán cung – cầu của phân khúc này vẫn còn nan giải.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc “cứu” thị trường BĐS sẽ không thể trở thành hiện thực nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cơ quan có liên quan (như: Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, chính quyền địa phương…) dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ chứ không chỉ riêng ngành xây dựng.
Lan Hương