Cường đôla “rút chân” khỏi công ty, cổ đông nhỏ lẻ hoảng loạn “tháo chạy”
(Dân trí) - Cổ phiếu QCG đang có diễn biến rất tiêu cực sau thông tin ông Nguyễn Quốc Cường đã rút khỏi cả vị trí Thành viên HĐQT và Phó Tổng giám đốc công ty này. Đáng nói là sự rút lui của ông Cường diễn ra trong thời điểm khá nhạy cảm.
Phần lớn thời gian giao dịch dưới đường tham chiếu, song VN-Index vẫn kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua (21/11) với mức tăng 3,54 điểm tương ứng 0,39% lên 922,56 điểm nhờ có 149 mã tăng so với 136 mã giảm.
Trong khi đó, tuy có 74 mã tăng so với 60 mã giảm trên sàn HNX song chỉ số HNX-Index vẫn sụt nhẹ 0,01% còn 103,9 điểm.
Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên giao dịch trước với khối lượng giao dịch trên HSX đạt 152,75 triệu cổ phiếu tương ứng 3.951,72 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 30,05 triệu cổ phiếu tương ứng 421,96 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong mức tăng của VN-Index hôm qua thì riêng VCB đã đóng góp tới xấp xỉ 1,8 điểm và VNM đóng góp 1,47 điểm. Hai mã này đóng cửa tăng lần lượt 1.600 đồng và 2.700 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ số cũng nhận được sự ủng hộ của BID, MBB, REE, TPB…
Ở chiều ngược lại, GAS giảm 2.200 đồng/cổ phiếu lại kéo sụt của chỉ số mất 1,31 điểm. Bên cạnh đó, NVL, SAB, MSN, PLX, VJC… mất giá cũng góp phần kìm hãm chỉ số hồi phục.
Trong số 10 mã có tác động tiêu cực lên diễn biến VN-Index có sự xuất hiện của QCG. Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai hôm nay giảm kịch sàn (6,9%) còn 6.060 đồng/cổ phiếu mặc dù khối lượng giao dịch vẫn đạt cao 3,4 triệu cổ phiếu.
Đến cuối phiên, mặc dù vẫn còn dư bán giá sàn song QCG lại “trắng bên mua” cho thấy áp lực bán đối với mã này là rất lớn. Trong vòng 1 tuần, QCG đã mất 13,55% giá trị và giảm 29,7% trong vòng 1 tháng.
Cổ phiếu QCG đang có diễn biến rất tiêu cực sau thông tin ông Nguyễn Quốc Cường đã rút khỏi cả vị trí Thành viên HĐQT và Phó Tổng giám đốc công ty này. Đáng nói là sự rút lui của ông Cường diễn ra trong thời điểm khá nhạy cảm.
Theo đó, Quốc Cường Gia Lai đang phải trải qua khoảng thời gian khó khăn do kết quả kinh doanh không như kỳ vọng (nguy cơ cao bị vỡ kế hoạch năm) và dính vào lùm xùm vụ “mua đất với giá bèo” tại Phước Kiển (TPHCM).
Chưa hết, công ty này lại đang gặp khó về dòng tiền. Bà Nguyễn Thị Như Loan từng thừa nhận về điều này trước đại hội đồng cổ đông hai năm về trước trong bối cảnh công ty đang chủ yếu vay mượn từ các cá nhân vì không được sự ủng hộ của các ngân hàng.
Thời điểm đó, bà Loan chia sẻ rằng, mặc dù công ty có nhiều tài sản nhưng đa phần chỉ là tài sản xây dựng dở dang nên rất khó vay ngân hàng. Bản thân bà cũng đã phải tự tìm cách huy động thông qua anh em, bạn bè và những mối quan hệ thân thiết, trong khi đó, áp lực lãi vay quá lớn nên công ty không dám vay thêm để mở rộng đầu tư dự án, dù có quỹ đất sạch.
Cũng theo bà Loan thì cuộc sống của bản thân bà đã dành hết cho QCG, nguồn tiền cá nhân cũng đổ vào các dự án và làm gì cũng nghĩ đến cổ đông. Do vậy, bà hy vọng sẽ được cổ đông cảm thông, chia sẻ.
Tính đến cuối tháng 9 vừa rồi, Quốc Cường Gia Lai đang vay mượn khoảng 1.437 tỷ đồng từ các cá nhân, trong đó riêng bà Nguyễn Thị Như Loan cho công ty vay 251,4 tỷ đồng, bà Lại Thị Hoàng Yến cho vay 342 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cho vay 362,6 tỷ đồng và bà Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái bà Loan) cho vay 147,4 tỷ đồng…
Tổng nợ ở mức 8.379 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn đã là 7.919 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 94,5%.
Việc thu xếp nguồn vốn khó khăn đã ảnh hưởng tới hàng loạt dự án bất động sản của công ty này, tồn kho lớn. Khối lượng hàng tồn kho đến 30/9/2018 lên tới 7.297 tỷ đồng, chiếm hơn 73% giá trị tài sản ngắn hạn.
Mai Chi