Cuối năm “vỡ trận”, vợ chồng chủ tiệm làm móng “chê” tiền tắt điện thoại
(Dân trí) - Những ngày cuối năm được nghỉ làm là lúc chị em phụ nữ đổ xô đi làm đẹp. Một trong những ưu tiên là việc sửa sang lại bộ móng tay cho điệu đà để đón Tết. Cũng vì thế mà các tiệm làm móng luôn trong tình trạng quá tải mấy ngày gần đây.
Chỉ còn vài ngày nữa, Tết sẽ đến. Nhiều chị em phụ nữ lo nhiều hơn là vui vì được nghỉ. Lo từ việc dọn dẹp nhà cửa, mua sắm Tết, biếu Tết, mua quần áo mới cho bản thân, gia đình rồi mới lo đến việc làm đẹp của bản thân.
Chị Linh Anh (Kim Mã, Hà Nội) vừa tranh thủ hoàn thành nốt những việc cuối cùng tại cơ quan rồi lao thẳng đến một tiệm làm móng để kịp lịch hẹn. Chị cho biết: “Những ngày cuối năm, đặt được lịch làm móng khó hơn cả việc tìm người đi chơi giao thừa cùng. Vì nơi nào cũng kín lịch cả từ 8 giờ sáng cho tới đêm.”
“Chủ tiệm làm móng dù có làm bạn thân của tôi thì cũng phải đợi chán chê mới tới lượt. Sắp được lịch mà chê giờ xấu hay trùng vào lúc đi làm, thì cũng đành ôm bộ móng tay xấu xí cả Tết”, chị Linh Anh cho biết thêm.
Không chỉ chị Linh Anh khổ sở, ngay cả chủ tiệm móng cũng vất vả không kém. Chị Nguyễn Kim Oanh (Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) mở tiệm làm móng mới được gần 1 năm, nhưng Tết năm nay đã quá tải ngay từ 20/12 âm lịch.
Nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ rất cao
Vừa sơn móng tay cho khách, cô chủ tiệm vừa chia sẻ: “Trước Tết khoảng 10 ngày, khách đã bắt đầu đến làm móng rất đông. Đây đều là những khách đã đặt lịch trước nửa tháng cho đến 1 tháng.”
“Trung bình mỗi có tới 50 - 60 khách đến làm khiến tôi và 4 nhân viên luôn trong tình trạng quá tải. Tôi phải nhờ chồng ra quầy thu ngân để thu tiền và trông xe cho khách. Thậm chí chị em đến làm đông quá, tôi còn khuyến khích bắt xe đến chứ đừng tự đi xe”, Oanh cho biết thêm.
Giá trung bình làm móng dao động từ 200.000 - 600.000 đồng
Khách hàng đến cửa tiệm làm móng của Oanh đa phần đều là người trẻ dưới 30. Vì phong cách tại đây theo xu hướng Hàn Quốc, Nhật Bản.
Chị Oanh cho biết: “Vì là người trẻ nên họ thích cái mới. Kiểu móng có hoạ tiết loang xà cừ kèm vân đá rất được ưa thích. Có người thì lại thích đính đá Úc và làm hoa bột. Nhưng trung bình, mỗi khách sẽ hết khoảng 300.000 - 400.000 đồng cho một lần làm móng.”
Phải đặt lịch trước nửa tháng mới làm được móng
“Tôi cũng mới làm nên không dám tăng giá dịp này, hơn nữa, hiện nay có rất nhiều cửa hàng cũng cạnh tranh với mình. Đông quá không thể làm được thì có thể từ chối, nhưng nếu “chặt chém” thì lần sau khách sẽ không quay lại”, chị Oanh cho biết thêm.
Đang mải mê tính tiền cho khách, anh Nguyễn Vũ Ngọc Minh (chồng chị Oanh) vẫn đỡ lời cho vợ: “Để có đủ người làm trong dịp Tết, vợ chồng tôi phải đào tạo nhân viên từ trước 2 tháng cho thật kĩ, chứ không dám thuê nhân viên thời vụ.”
“Nhân viên làm quen tay rồi mà cũng mất một tiếng rưỡi mới xong 1 bộ móng, nếu cầu kì có khi lên tới 2 - 3 tiếng. Nên nếu tuyển nhân viên thời vụ thì chưa chắc phục vụ kịp, mà chất lượng cũng không ra sao”, anh Minh nói.
Nhân viên luôn phải làm hết công suất
Khoảng 8h sáng, 2 vợ chồng anh Minh đã phải có mặt ở cửa hàng để mở cửa phục vụ khách, cứ thế làm cho tới đêm mới được nghỉ.
“Nhiều hôm còn phải “đuổi khéo” khách không đặt lịch. Khách quen, bạn bè gọi điện đến liên tục mà chẳng dám nghe. Họ gọi nhiều quá mà tôi còn phải tắt máy vì công việc tại quán đang nhiều”, anh Minh chia sẻ thêm.
Thế Hưng