Cuối năm, kho lạnh thực phẩm “hốt bạc”!

(Dân trí) - Kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ tết Nguyên đán đang khiến cho các kho lạnh dự trữ thực phẩm luôn hoạt động nhộn nhịp và quá tải. Chưa bao giờ, các kho lạnh trở nên quan trọng như lúc này?

Sau gia nhập WTO, các loại thực phẩm như thịt gà, bò, heo, và trái cây như cam, nho, táo có xuất xứ từ Hoa Kỳ, Brazil, Úcđược nhập vào Việt Nam với số lượng lớn. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các kho lạnh ở TPHCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai trở nên quá tải.

Kho lạnh Swire ở Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần (Bình Dương) là một trong những kho lạnh hiện đại nhất khu vực phía Nam với dây chuyền hoạt động và mô hình quản lý của Thụy Sỹ. Đại diện quản lý kho Swire cho biết, kho luôn hoạt động 100% công suất mà cũng chưa đáp ứng hết yêu cầu của khách hàng. 

Cuối tháng 11/2007, Tập đoàn Swire đã đưa vào hoạt động kho Swire B mới tại đường số 2, KCN Sóng Thần với sức chứa 18.000 tấn thực phẩm đông lạnh. Nhưng mới khánh thành được 15 ngày thì kho lạnh này đã không còn một chỗ trống. 

Theo đại diện các công ty kinh doanh kho lạnh, cơn “sốt” kho thực phẩm không chỉ diễn ra trong những tháng cận tết mà trong những thời điểm khác trong năm cũng luôn “đắt khách”, các kho luôn đầy ắp hàng. Tình trạng này khiến cho các công ty sản xuất và kinh doanh thực phẩm phải “chạy đôn chạy đáo” đặt chỗ từ rất sớm. 

Ông Hiếu Trung, Giám đốc Kho lạnh Liên hiệp, cho biết: “Đã có rất nhiều đơn vị đến đặt vấn đề hợp tác thuê kho, nhưng công ty phải lịch sự từ chối vì không thể nhận thêm hàng. Hiện nay, Kho Liên Hiệp đã kín chỗ từ nay đến hết tháng 5/2008”.

Tình trạng khan hiếm dẫn đến giá thuê kho trữ lạnh các sản phẩm tăng nhẹ vào thời điểm cuối năm. So với trước đây giá thuê kho lạnh từ mức phổ biến là 0,9 USD - 1 USD/tấn hàng đã nhích lên 1,2 USD - 1,3 USD/tấn hàng.

Một số kho lạnh nguyên trước đây chỉ trữ hàng thủy sản xuất khẩu thì nay cũng phải chia sẻ gánh nặng thiếu kho thực phẩm nhập khẩu. Kho Sơn Sơn (quận Bình Chánh), Kho thủy đặc sản (quận Tân Phú), kho Thương Thương (quận 11) trước đây chỉ chuyên trữ lạnh hàng thủy sản xuất khẩu, nhưng mấy tháng qua đã phải tiếp nhận thêm hàng đông lạnh là thịt heo, bò, gà và rau quả nhập khẩu. 

Tình trạng khan hiếm các kho lạnh trữ thực phẩm đã đẩy nhiều nhà cung cấp dịch vụ lao vào một cuộc đua mở rộng diện tích hoặc xây dựng mới các kho lạnh. 

Được biết, Tập đoàn Swire đã có kế hoạch xây dựng thêm một kho mới tại quận 7 (TPHCM) vào năm 2008. Kho lạnh Thủy đặc sản đang triển khai xây dựng một kho mới có sức chứa khoảng 3.000 - 5.000 tấn tại huyện Bình Chánh (TPHCM) và dự kiến sẽ chính thức đưa vào hoạt động từ quý III năm 2008. Công ty An Phú cũng sắp hoàn thành một kho lạnh mới trữ lượng 6.400 tấn tại  huyện Thuận An (Bình Dương).

Khó khăn lớn nhất của các đơn vị kinh doanh kho lạnh khi mở rộng hoạt động là phải tìm mặt bằng thích hợp để xây dựng hệ thống kho bãi. Theo ông Trung, Kho Liên hiệp đang có kế hoạch mở rộng diện tích kho lên gấp đôi trong năm nay để tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu thuê của khách hàng. Tuy nhiên, kế hoạch này có thành công hay không còn phụ thuộc vào kết quả tìm kiếm mặt bằng.

Nguyên Tuấn