1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cuộc đua ứng dụng gọi xe: Thực hư vụ “be” thu chiết khấu tài xế cao ngất ngưởng

(Dân trí) - Nhiều tài xế lên tiếng cho rằng mức chiết khấu của ứng dụng “be” mới ra mắt khá cao khi lên tới 35%. Tuy nhiên, thực tế “be” chỉ áp dụng mức chiết khấu 25%, còn lại 10% được giữ lại để nộp cho nhà nước theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng.

Cuộc đua ứng dụng gọi xe: Thực hư vụ “be” thu chiết khấu tài xế cao ngất ngưởng - Ảnh 1.

Sau thời gian chờ đợi, những chuyến xe đầu tiên của ứng dụng “be” đã chính thức lăn bánh kể từ hôm 17/12 với hai dịch vụ beBike và beCar.

Anh Nam Khanh – một tài xế của “be” chia sẻ tuy mới ra mắt, nhưng có khá đông khách đặt ứng dụng. Không lo bị “ế” khách, tuy nhiên anh Khanh tỏ ra băn khoăn với khoản chiết khấu của công ty.

Không chỉ anh Khanh, khá nhiều tài xế cũng lên tiếng phàn nàn về mức chiết khấu lên tới 35-36% của hãng xe thuần Việt này. Họ cho rằng với mức chiết khấu cao như vậy, thu nhập sẽ ít hơn so với chạy Grab hoặc một số ứng dụng khác.

Liên hệ với đại diện “be”, công ty này cho biết thực tế mức chiết khấu của “be” đối với tài xế chỉ là 25% (sẽ là 26,125% nếu tính cả thuế thu nhập cá nhân). 10% còn lại công ty giữ lại để nộp cho nhà nước theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng.

“Dịch vụ vận tải mà “be” cung cấp sẽ là đối tượng chịu thuế với mức thuế suất giá trị gia tăng hiện hành là 10% tính trên giá bán ra của hàng hóa, dịch vụ chưa có thuế giá trị gia tăng”, vị này cho biết. Đại diện “be” nhấn mạnh, nói tài xế phải chi trả đến 35-36% chiết khấu là chưa chính xác.

Thực tế sau khi trích nộp 10% thuế VAT, thì “be” và đối tác tài xế mới cùng nhau chia sẻ kết quả kinh doanh theo tỷ lệ 25% và 75%, trong đó tài xế được nhận lại 75% (chưa tính thuế thu nhập cá nhân).

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng điểm cốt lõi ở đây chính là việc ứng dụng gọi xe “be” đăng ký kinh doanh là công ty vận tải, một bước đi táo bạo và đưa ra một giải pháp cho các nhà hoạch định chính sách có thể tham khảo về việc định danh đúng đắn cho loại hình kinh doanh này. Theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành thì vận tải là dịch vụ phải chịu thuế VAT 10%.

Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, người mua hàng hóa, dịch vụ cuối cùng phải chịu, giá bán dịch vụ đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, người bán hàng hóa dịch vụ phải khai và nộp cho nhà nước. Việc công ty “be” thu như vậy theo ông Long là đúng luật.

Vị chuyên gia này phân tích thêm, việc định danh chính là yếu tố khiến cho “be” có sự khác biệt so với một số ứng dụng gọi xe khác như Grab. Bởi Grab chỉ nhận mình là công ty kết nối ứng dụng gọi xe, không phải là công ty kinh doanh vận tải, vấn đề vốn đã gây rất nhiều tranh cãi rất dài trong thời gian qua. Theo ông Long, phần mềm thì nhà nước không yêu cầu phải đóng thuế VAT, Grab đương nhiên hưởng lợi hơn các công ty đăng kí vận tải, do vậy Grab chỉ yêu cầu tài xế đóng thuế thu nhập cá nhân.

“Còn “be” thì đăng ký là công ty vận tải nên phải chịu 10% giống như các doanh nghiệp vận tải khác”, ông Long nói.

Khi được hỏi liệu đây có phải là điểm thiếu cạnh tranh của “be” hay không, vị chuyên gia kinh tế này nói: Không hẳn bởi be là sự kết hợp giữa công ty vận tải và công nghệ, nó cũng có những ưu điểm riêng của nó. Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng “be” cũng đưa ra cho khách hàng thêm sự lựa chọn. Theo đó, khách hàng muốn đi an toàn, chất lượng tốt, ổn định về giá cả và ủng hộ doanh nghiệp Việt thì có thể chọn “be”. Hoặc nếu muốn đi Grab thì chấp nhận giá cả có thể lúc cao, lúc thấp, thậm chí nhiều cuốc xe tăng giá gấp 2-3 lần ngày thường.

Về phía tài xế, ông Long cho rằng người lao động bao giờ cũng muốn thu nhập tốt nhất. Nhưng chiết khấu cao hay thấp chưa chắc đã quyết định thu nhập của tài xế mà còn phụ thuộc vào số lượng khách hàng, chế độ thưởng, phúc lợi của hãng đó. Số tiền “đút túi” là một yếu tố, ngoài yếu tố này ra ông Long cho rằng tài xế cũng cần cân nhắc các yếu tố lâu dài khác như doanh nghiệp thị phần ra sao, có định hướng phát triển lâu dài, ổn định, chuyên nghiệp, quan tâm đến chế độ bảo hiểm hay các phúc lợi của người lao động hay không…

Trước đó tại lễ ra mắt, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc BE GROUP khẳng định “be” đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực Vận tải, một điểm khác biệt rất lớn so với các ứng dụng gọi xe hiện nay trên thị trường.

Sự minh bạch là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong các chính sách và quá trình hoạt động của “be”, với cam kết mọi hoạt động kinh doanh của “be” đều tuân thủ các quy định của pháp luật: như việc đóng đúng và đủ thuế, sẵn sàng hỗ trợ các Đối tác tài xế, Hợp tác xã và các công ty vận tải trong việc kê khai và đóng thuế cho Nhà nước, người đứng đầu BE Group khẳng định.

Đại diện “be” cũng cho biết họ ý thức rằng làm khách hài lòng là tài xế, mà mất lòng khách cũng là tài xế. Trong mọi chính sách, “be” luôn lấy đối tác tài xế làm gốc.

Bởi vậy, ngoài việc quan tâm đến chế độ thưởng, phúc lợi và thâm niên công tác, “be” đã xây dựng một chương trình đào tạo tự nguyện cho các Đối tác tài xế để có thể nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và sự chuyên nghiệp qua mỗi khóa học, đồng thời “be” cũng đề cao An toàn là tiêu chí hàng đầu: “be” đến nơi, về đến chốn.

Đồng thời, “be” là ứng dụng gọi xe đầu tiên xây dựng một chương trình bảo hiểm tai nạn giao thông toàn diện 24/7. Chi phí y tế do tai nạn, trợ cấp thu nhập khi điều trị cho toàn bộ các Đối tác tài xế khi tham gia cùng “be” bao gồm: ngay từ lúc đăng kí trở thành đối tác tài xế với “be”; khi đối tác online bật ứng dụng “be” nhưng đang không thực hiện cuốc xe; và trong quá trình thực hiện cuốc xe. Ngoài ra, “be” đang phối hợp cùng các đối tác ngân hàng để phát triển các gói tín dụng cá nhân để hỗ trợ các Đối tác tài xế tham gia cùng “be”.

Hà Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm