Cuộc đua giấy phép kinh doanh vàng
Đến ngày 10/1/2013 các đơn vị kinh doanh vàng miếng phải làm thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh từ NHNN. Đã gọi là đua sẽ có kẻ thắng, người thua; được và mất.
Trước mở nhiều, giờ thắt lại?
Theo thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước cho phép thời hạn 6 tháng để các cơ sở kinh doanh vàng chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng. Như vậy, đến ngày 10/1/2013 các đơn vị hiện đang kinh doanh vàng miếng sẽ làm thủ tục xin cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng (nếu được) hoặc chuyển sang sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.
Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ, thời hạn chuyển tiếp là 12 tháng kể từ ngày 25/5/2012, các đơn vị này cũng phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tại Ngân hàng Nhà nước và thực hiện đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Tiết lộ từ quan chức thuộc Vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước - nơi xem xét, cấp phép cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng cho biết: hồ sơ của các đơn vị xin cấp phép đã xếp thành chồng từ lâu (khoảng 20 tổ chức tín dụng và 15 doanh nghiệp).
Từ trung tuần tháng 11/2012, tin "vỉa hè" là đã có 21 đơn vị được cấp phép. Nhưng thông tin mà chúng tôi có được đến thời điểm hiện nay là trung tuần tháng 12/2012 Ngân hàng Nhà nước mới chính thức phê duyệt hồ sơ. Số hồ sơ được phê duyệt cũng sẽ rất hạn chế và sẽ được công bố rộng rãi. Sau đó, nếu các đơn vị khác đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục cấp phép.
Chính vì điều kiện không khó, mà số lượng được phê duyệt lại hạn chế, nên cuộc chạy đua xin giấy phép càng trở nên khốc liệt
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), Tổng giám đốc Tổng Công ty kinh doanh vàng Agribank cho rằng, thị trường vàng sẽ bị thu hẹp đến 90%.
Ông cho rằng, một tổ chức có mạng lưới rộng khắp, có điều kiện về bảo an (trong buôn bán, vận chuyển vàng) sẽ thuận lợi hơn khi được cấp phép kinh doanh vàng miếng sẽ đạt được yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về đầu mối quản lý cũng như cung cấp vàng cho thị trường, nhằm tránh hiện tượng thiếu vàng ảo do điểm cung cấp bị hạn chế.
Được và mất
Kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện chủ trương này là đưa thị trường vàng vào khuôn khổ. Việc kinh doanh, mua bán vàng miếng sẽ được Ngân hàng Nhà nước quản lý, không tự do tung hoành, tác động xấu đến thị trường ngoại hối. Mục tiêu là thế, nhưng cách thức tiến hành trên thực tế không bao giờ đơn giản.
Điều kiện cơ quan quản lý đưa ra đối với doanh nghiệp đủ điều kiện được kinh doanh vàng miếng không quá khó khăn: doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp từ hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Đối với tổ chức tín dụng: có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng; có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Chính vì điều kiện không khó, mà số lượng được phê duyệt lại hạn chế, nên cuộc chạy đua xin giấy phép càng trở nên khốc liệt. Vì đã là cơ chế xin - cho thì tránh sao nổi việc xét đến khía cạnh "tình cảm" giữa người "xin" và người "cho". Giá nào cho mỗi tờ giấy phép?
Câu trả lời chỉ những người trong cuộc mới biết chính xác, người ngoài cuộc thì dễ dàng thấy...ắt phải thế. Ngân hàng Nhà nước có lường được điều này trước khi đưa vào quy định của Nghị định 24 không? Cái "được", nếu có trước mắt chỉ thấy vào cá nhân; cái mất - uy tín, lòng tin của doanh nghiệp, người dân vào cơ quan quản lý thì quá nhiều.
Theo Thái Thanh
DĐDN