Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Vốn đầu tư Trung Quốc sẽ “rót” vào Việt Nam nhiều hơn?
(Dân trí) - Chuyên gia Võ Đại Lược nhấn mạnh: Dù chưa biết cuộc chiến thương mại Mỹ Trung sẽ diễn biến tiếp theo thế nào, bao giờ kết thúc và mức độ ra sao, tuy nhiên nếu cứ tiếp tục kéo dài thì mức độ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu là rất lớn. Trong đó, Việt Nam khó tránh khỏi việc nhận tác động tiêu cực.
Khả năng Mỹ dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang Việt Nam là khó
Ngày 6/7, Mỹ chính thức bắt đầu cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử của mình bằng việc áp thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đáp trả lại bằng việc áp thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng nhập khẩu của Mỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng khi hàng hóa Trung Quốc gặp khó khăn ở thị trường Mỹ sẽ là cơ hội để các nước khác tìm kiếm cơ hội ở thị trường này, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc tìm cách xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều.
Trao đổi với Dân trí, GS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, khi không xuất khẩu được sang Mỹ, hàng Trung Quốc sẽ phải tìm mọi cách để chen vào các thị trường khác.
“Họ sẽ bán hàng thừa sang Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam vốn đã nhập rất nhiều rồi và nguy cơ nhập nhiều hơn nữa là rất có thể. Hàng Trung Quốc với giá rẻ hơn, cạnh tranh hơn sẽ làm hàng Việt thêm lao đao, khó khăn”, ông Lược nhận định.
Thêm nữa theo ông Lược, hàng mà Việt Nam trước đây nhập của Trung Quốc sau đó gia công, chế tác rồi xuất sang Mỹ có khả năng sẽ gặp khó khăn. Nếu việc này có quy mô lớn nếu bị thì Mỹ có thể sẽ áp dụng biện pháp điều tra, ảnh hưởng đến ngành đó do vậy cần cảnh báo.
"Đối phó với vấn đề này, cần tăng cường hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chất lượng hàng hoá khi nhập vào Việt Nam. Đồng thời hàng Việt cũng cần chú trọng thêm nữa vào chất lượng để tăng sức cạnh tranh, không còn cách nào khác", vị chuyên gia khuyến nghị.
Một khả năng tác động khác cũng được chuyên gia Võ Đại Lược nhắc đến, đó là khả năng dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Theo đó, đầu tư của Trung Quốc có thể "đổ" vào Việt Nam nhiều hơn để tránh xuất xứ.
Trong khi đó đó với Mỹ, vốn đầu tư thực hiện tại Việt Nam ước chỉ khoảng 5 tỷ USD so với 180 tỷ tổng vốn đầu tư nước ngoài cho thấy đây là một con số khiêm tốn. Việt Nam rất cần nguồn vốn đầu tư từ Mỹ vì đây là quốc gia có nguồn tài chính tốt, công nghệ hiện đại.
“Tuy nhiên khả năng Mỹ dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang Việt Nam là khó. Lâu nay chúng ta cũng đã đề cập đến vấn đề này khá nhiều, môi trường kinh doanh Việt Nam không thuận lợi cho nhà đầu tư Âu Mỹ vì kém minh bạch, chi phí không chính thức còn rất lớn”, ông Lược nhận định.
Cần chính sách tỷ giá linh hoạt
Chuyên gia Võ Đại Lược cũng nhấn mạnh đến vấn đề về tỷ giá của Việt Nam trước cuộc chiến thương mại lớn này.
Thông thường các nước sẽ đi theo hướng giảm giá đồng bạc, nhằm tăng sức cạnh tranh hàng xuất khẩu khi vấp phải hàng rào về thuế quan. Vừa qua, Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng thực hiện giảm mạnh (hơn 4%), nếu nước nào không hạ thì hàng hoá lại khó cạnh tranh, bóp nghẹt sản xuất trong nước.
Không chỉ Trung Quốc, những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam như EU, Nhật Bản cũng được cải thiện vì giá đồng tiền họ giảm đi, khiến họ có lợi thế thương mại.
Do vậy, ông Lược cho rằng không phải kiên quyết giữ ổn định tỉ giá là tốt, mà cần có sự linh hoạt điều hành chính sách tỉ giá nhằm đem lại lợi ích cho nền kinh tế, tranh gây sức ép lên cạnh tranh xuất khẩu. Cũng đừng chỉ chú trọng tới tỉ giá VND - USD mà cần phải xem xét tương quan với đồng nhân dân tệ.
Ông Võ Đại Lược nhấn mạnh: Dù chưa biết cuộc chiến thương mại Mỹ Trung sẽ diễn biến tiếp theo thế nào, bao giờ kết thúc và mức độ ra sao, tuy nhiên nếu cứ tiếp tục kéo dài thì mức độ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu là rất lớn. Trong đó, Việt Nam khó tránh khỏi việc nhận tác động tiêu cực.
“Cũng có thể có khả năng thứ Trung Quốc nhượng bộ và Mỹ sẽ dừng lại. Cũng có thể quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ căng thẳng lên, trong khi đó, ông Donald Trump là người rất khó đoán định”, ông Lược bình luận. Do vậy nhìn chung kinh tế thế giới sẽ diễn biến phức tạp khó lường.
Trong khi đó, Việt Nam lại là nền kinh tế có độ mở cao, xuất khẩu chiếm rất lớn, lệ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài. Do vậy những diễn biến trên sẽ tác động rất lớn tới Việt Nam, ông Lược nhận định.
Nguyễn Mạnh