Cuộc chiến thịt thối, rau bẩn: Người tiêu dùng luôn... thua

Liên tục tháng qua, lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thịt và nầm gia súc thối tại địa bàn Lạng Sơn với số lượng lớn.

Nóng nhất gần đây là vụ phanh phui hàng trăm tấn thịt thối từ lợn tai xanh tại ngoại thành Hà Nội để chế biến làm ruốc và mắm tép...
 
Vẫn tồn tại nhiều cơ sở giết mổ gia súc bẩn.
Vẫn tồn tại nhiều cơ sở giết mổ gia súc bẩn.

 

Từ thịt thối vượt biên

 

Cục Thú y (Bộ NNPTNT) tại cuộc họp về VSATTP sáng qua (18/6) cho biết, cục này vừa phối hợp các cơ quan chức năng phát hiện hai vụ vận chuyển trái phép thịt thối từ bên kia biên giới tuồn vào Lạng Sơn.

 

Cụ thể là ngày 17/6, gần 100 tấn nầm dê thối được phát hiện. Trước đó ngày 6/6, hơn 650kg nầm lợn thối cũng bị lực lượng chức năng thu giữ. Điều đáng nói là những loại thực phẩm siêu độc hại này bị phát hiện trong tình huống “bỏ của chạy lấy người”.

 

Cục phó Phạm Văn Đông cho biết: “Tất cả số hàng trên đều do cửu vạn mang vác theo đường mòn lối mở bên kia biên giới, khi bị phát giác đều bỏ trốn, hiện vẫn chưa bắt được đối tượng nào”.

 

Đau đầu với thịt thối “ngoại” đã đành, hiện người tiêu dùng cũng phát hoảng khi có thông tin thịt “nội” bị nhiễm tai xanh cũng được “phù phép” thành ruốc và mắm tép – hai món ăn phổ biến của người dân Hà thành bấy lâu nay. Cục Thú y khẳng định, trong tuần sẽ kiểm tra nguồn gốc lô hàng thịt nhiễm tai xanh nói trên để sớm xử lý nghiêm.

 

Hiện nay, hầu hết các cơ sở giết mổ thịt gia súc; gia cầm trong nước đều không đảm bảo chất lượng VSATTP, những nơi đảm bảo cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Riêng tại Bạc Liêu, qua kiểm tra thời gian qua, thanh tra Bộ NNTPNT cho biết có 19/30 cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh. Theo Cục Thú y, đã có biện pháp mạnh tay với các cơ sở trên như rút giấy phép hành nghề và thông báo công khai, song chỉ như “muối bỏ bể”.

 

Đến rau quả bẩn tràn ngập

 

Tại cuộc họp ngày 18/6, Cục Bảo vệ thực vật (BVTC) cũng cảnh báo tình hình các loại rau củ quả nghi nhiễm thuốc BVTV quá ngưỡng cho phép, trong đó có nhiều loại rau quả nhập ngoại.

 

Theo cục này, trong số 415 mẫu rau củ trên thị trường từ đầu năm đến nay, có 105 loại phát hiện dư lượng thuốc BVTV nhưng vẫn trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm định, có những chất chưa có quy định cụ thể hoặc chưa nằm trong danh mục thuốc BVTV của VN nên không thể biết được những chất này có... an toàn hay không.

 

Mới đây nhất là thông tin táo đỏ Fuji của Trung Quốc sử dụng túi bọc quả chứa thuốc trừ sâu độc hại và hai chất cấm tuzet và asomate gây hoang mang dư luận, Cục BVTV khẳng định VN có bán loại táo này nhưng với số lượng ít. Lượng táo đỏ này nhập nhiều vào tháng 3 và tháng 10 hằng năm.

 

Trước lo ngại của dư luận, cục này cho biết hai trung tâm kiểm dịch tại HN và TPHCM đã lấy mẫu táo nói trên kiểm tra dư lượng thuốc BVTV và sẽ có kết quả trước ngày 22/6. Hiện 40% số lượng giống táo đỏ nổi tiếng của Australia được trồng tại TQ và Indonesia là một trong những nước nhập hàng với lượng lớn.

 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh về sự gấp rút trong cuộc chiến với thịt thối, rau bẩn. Bộ trưởng yêu cầu trọng tâm tháng 6, tháng 7 là các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, xử lý nghiêm với cơ sở không đảm bảo VSATTP.

 

Với các vụ vận chuyển thịt thối, ông Cao Đức Phát yêu cầu các cục liên quan của bộ, phối hợp với các lực lượng chức năng khác tìm hiểu xem ngoài động cơ kinh tế còn có động cơ nào khác khiến thịt thối vẫn ngang nhiên hoành hành.

 

“Tất cả mọi công việc đều phải được triển khai gấp rút nhằm triệt tận gốc các vụ thịt bẩn, rau bẩn. Việc sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi cũng cần ráo riết kiểm soát tận gốc bởi hàng đã nhập về kho và sẽ tìm cách tuồn ra thị trường, nếu không phối hợp ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi thời gian tới” – ông Phát yêu cầu.

 

Theo Dương Hà

Lao động