“Cuộc chiến” thép nội và thép nhập khẩu

(Dân trí) - Sau khi Hiệp hội Thép Việt Nam có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng phản ánh hiện tượng gian lận thương mại trong việc nhập khẩu thép, ngay lập tức các doanh nghiệp nhập khẩu thép cũng có công văn phản bác lại.

“Cuộc chiến” thép nội và thép nhập khẩu - 1
Cuộc chiến thép nội ngoại sẽ ảnh hưởng đến tiến độ các công trình.

Nhà nhập khẩu “lách luật”?

Công văn số 34/HHTVN ngày 3/4/2009 của Hiệp hội Thép Việt Nam (HHTVN) cho biết, hiện các sản phẩm thép sản xuất trong nước đều trong tình trạng “cung vượt cầu” khi công suất thép xây dựng 7 triệu tấn/năm nhưng nhu cầu thực tế chỉ đạt 4 triệu tấn/năm.

Nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên phần lớn là do sự xuất hiện ồ ạt của thép nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước ASEAN về Việt Nam. HHTVN cho rằng, nguyên nhân của việc nhập khẩu thép ồ ạt là do biểu thuế thấp, nhà nhập khẩu “lách luật”.

Cụ thể, nếu là thép cuộn nhập từ Trung Quốc và các nước khác ngoài ASEAN, thép cacbon thông thường làm thép xây dựng thì phải chịu thuế nhập khẩu là 15%, tính từ 1/4/2009, nhưng với thép cuộn là hợp kim thì mức thuế nhập khẩu rất thấp, từ 0 - 5%.

“Đáng gờm” nhất với các nhà sản xuất thép trong nước chính là thép cuộn hợp kim mã HS 7227.90.00.00 đang được nhập vào Việt Nam chủ yếu dùng trong xây dựng nhưng chỉ chịu mức thuế nhập khẩu từ 0 - 5%, rẻ hơn 1 triệu đồng/tấn so với thép trong nước.

Sở dĩ có sự ưu đãi trên là do nước xuất khẩu đưa nguyên tố hợp kim vi lượng (chất Bo) vào thành phẩm thép nên được hưởng mức thuế ưu đãi. HHTVN khẳng định đây là tình trạng “lách luật”, gian lận thương mại.

Và để đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh, HHTVN kiến nghị Chính phủ đánh thuế xuất, nhập khẩu với thép cuộn cuốn mã số HS 7227.90.00.00 từ 5 - 15% như thép xây dựng thông thường.

Doanh nghiệp nhập khẩu thép “phản pháo”

Ngay sau khi có kiến nghị của HHTVN, lập tức các nhà nhập khẩu thép có văn bản phản bác. Ngày 4/4/2009, ông Vũ Thành Long, Giám đốc Công ty Thép Thành Long, trụ sở tại tỉnh Hưng Yên, đại diện cho các nhà nhập khẩu thép đã có Công văn số 72/STL gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ Tài Chính, Công thương.

Kiến nghị nêu rõ, HHTVN đang vu cáo nhằm hạ uy tín của các doanh nghiệp nhập khẩu. HHTVN đang lợi dụng sự bảo hộ để cạnh tranh không lành mạnh nhằm đẩy các doanh nghiệp nhập khẩu thép tới chỗ phá sản để tiến tới độc quyền thép trong nước.

Việc HHTVN cho rằng, Công ty Thép Thành Long cũng như một số đơn vị nhập khẩu khác có hành vi “gian lận thương mại”, khai không đúng về hàng hoá nhập khẩu bằng cách khai số thép nhập khẩu là thép hợp kim, khi kiểm tra số thép đó là thép cacbon bình thường để trốn thuế là không có cơ sở.

Bởi, để có kết luận “Thép hợp kim hay phi hợp kim” không thể căn cứ vào suy luận chủ quan mà cần có đánh giá theo tiêu chuẩn khoa học và căn cứ pháp lý để kết luận. Thép Thành Long cũng đưa ra dẫn chứng cơ sở pháp lý quy định mã hàng HS 7227.90.00.00 biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi của Bộ Tài chính tại thời điểm thực hiện.

Vấn đề đặt ra ở “cuộc chiến” pháp lý này không phải là thép mã số HS 7227.90.00.00 “lách luật” như thế nào, mà là việc nhập khẩu loại thép này có vi phạm pháp luật hay không?. Hàm lượng Bo có ảnh hưởng thế nào đến chất lượng thành phẩm cũng như túi tiền của người tiêu dùng mới là điều đáng bàn.

Việc gia nhập WTO là một sân chơi chung, theo đó các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải tự đứng bằng đôi chân của mình bằng cách tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động... chứ không thể chỉ chờ đợi vào sự bảo hộ của Nhà nước.

Vũ Văn Tiến