Cuộc chiến giá dầu: Ông lớn nào trọng thương?

Các nước Nga, Mỹ, Anh, Saudi Arabia…, ai hưởng lợi, ai chịu tác động nặng nề từ việc giá dầu giảm hiện nay?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Giá của một thùng dầu thô Brent đã giảm một nửa từ 115 USD mùa hè qua đến mức ổn định khoảng 60 USD trung tuần tháng 12. Morgan Stanley [2] thậm chí còn dự báo giá dầu còn hạ đến mức 43 USD/ thùng trong đầu năm 2015.

Rõ ràng là cuộc chiến giá dầu bây giờ mới chỉ bắt đầu. Vậy giá dầu giảm thấp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các nền kinh tế, tới những nhà xuất khẩu dầu thô?

Hoa Kỳ  

Hiện nay, thịnh hành một ý kiến cho rằng Hoa Kỳ là nguyên nhân chính trong việc duy trì giá dầu hạ để cố gắng “đánh gục” nước Nga của Vladimir Putin, nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu thô và khí đốt. Tuy nhiên, Hoa Kỳ là nước có các công ty dầu sản xuất từ đá phiến là những nhà sản xuất có chi phí cao, là những người dễ tổn thương nhất – người ta tính ra điểm hòa vốn của sản xuất dầu fracking là 110 USD, như vậy không rõ các nhà sản xuất này có thể chịu đựng được tình trạng rất “phi kinh tế” này trong bao lâu.  

Sự phát triển của công nghiệp sản xuất dầu từ đá phiến trên vùng đồng bằng trung tâm của Dakota, Kansas và Nebraska, cùng với khai thác cát dầu ở Canada, đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu dầu vào Mỹ. Thị trường dầu và khí đốt thế giới đã bão hòa. Cùng với tăng cung đang có quá trình giảm cầu, đặc biệt là khi Nhật Bản đang muốn quay lại với năng lượng hạt nhân, cũng như sản xuất của Trung Quốc chậm lại. 

Các nhà sản xuất dầu từ đá phiến của Hoa Kỳ đã đã đẩy sản lượng từ 5 triệu thùng/ngày trong năm 2008 lên 8,5 triệu thùng/ngày vào tháng 6 năm nay. Một Viện nghiên cứu của Mỹ ước tính, một trong những mỏ dầu đá phiến được tìm thấy ở miền nam Texas đã có thể “tặng” thêm 87 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ riêng trong năm 2013.  

Về tổng thể, ích lợi đạt được của nền kinh tế Hoa Kỳ, có một con số ấn tượng: cứ mỗi 10 USD giảm cho một thùng dầu, thì GDP của Hoa Kỳ tăng được 0,1% (Con số dự báo của Ngân hàng đầu tư Thụy Sỹ UBS - Union Bank of Switzerland.) Như thế có thể dự đoán, nền kinh tế Hoa Kỳ được hưởng lợi nhiều từ giá dầu thô giảm. Do đó Chính phủ Hoa Kỳ chắc chắn phải có những biện pháp hỗ trợ cho các nhà sản xuất dầu đá phiến trong nước để tiếp tục duy trì tình trạng có lợi này lâu đến mức họ muốn. 

Cũng có những nhà kinh tế lo ngại giá dầu thấp sẽ ảnh hưởng đến công nghiệp khai thác dầu khí của Hoa Kỳ, nhưng ngược lại vẫn có những ý kiến bảo vệ. Một bài phân tích trên tờ Forbes nhận định, giá dầu thô giảm làm cho người Mỹ giảm được chi phí đi lại, chi phí sản xuất do đó giảm theo và đồng đôla Mỹ mạnh lên.   

Anh quốc

Tháng Chín vừa qua, xứ Scotland trưng cầu dân ý xem có nên ở lại trong “Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland”. Một trong những căn cứ tính toán cho một nền kinh tế Scotland độc lập là giá dầu mỏ. Scotland có dự án khai thác dầu Biển Bắc, và thời điểm trưng cầu dân ý, Alex Salmond lãnh đạo Đảng quốc gia Scotland xây dựng kế hoạch dựa trên giá dầu 113 USD/ thùng. Đến thời điểm này liệu người kế nhiệm của ông Nicola Sturgeon sẽ tính toán như thế nào cho nền kinh tế độc lập của Scotland với giá dầu chỉ còn phân nửa? 

Từ năm 2005 đến nay Anh quốc là nước hoàn toàn chỉ nhập khẩu dầu, do đó người ta đang ước tính người tiêu dùng Anh quốc được lợi 3 triệu bảng Anh một ngày do giá dầu giảm. Tuy nhiên cũng có những tác động khác, giới lãnh đạo Tập đoàn Wood Group, hãng kỹ thuật dầu khí cho biết trong năm sau có thể phải cắt giảm 15.000 chỗ làm nếu sản lượng của họ bị giảm xuống 800.000 thùng/ ngày. 

Giá dầu giảm ảnh hưởng đến các nước ra sao? Ảnh:
Giá dầu giảm ảnh hưởng đến các nước ra sao? Ảnh: Reuters

Nga

Vào buổi Họp báo thường niên mới đây, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã phủ nhận khả năng nước Nga sẽ vỡ nợ nếu như giá dầu tiếp tục hạ vào năm tới. Ông thậm chí còn khẳng định nước Nga vẫn có thể phát triển thịnh vượng với giá dầu chỉ 60 USD/ thùng.

Nước Nga vốn xây dựng kế hoạch tài chính ba năm 2015 – 2017 là 100 USD/ thùng, Và đến nay Bộ tài chính Nga vẫn đang hy vọng giá dầu có thể quay trở lại ổn định ở mức 80 USD/ thùng trong thời gian tới, do đó hiện nay vẫn chưa có những động thái điều chỉnh chi tiêu ngân sách.  

Tuy nhiên, với dầu và khí đốt chiếm 70% xuất khẩu và 50% thu thuế, với giá dầu dưới 100 USD/ thùng sẽ đồng nghĩa với việc Nga phải cắt giảm ngân sách lớn và suy thoái kinh tế sâu sắc hơn. Hiện nay, việc Nga tham gia vào tình hình ở Đông Ucraina sẽ đòi hỏi tăng chi ngân sách 30%. Nếu như nước Nga vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch này của họ, cũng có nghĩa là phải giảm ưu tiên trước hết cho phát triển hạ tầng và vẫn cố gắng duy trì an sinh xã hội.  

Các công ty Nga trước đây vay các ngân hàng phương Tây bằng đôla lãi suất thấp, nay phải chịu thiệt hại hơn về lãi suất do giá đôla tăng lên. Một số trong giới chóp bu tài chính Nga đã phải cầu cứu Tổng thống, nhưng họ chỉ nhận được câu trả lời là “Không!” – trong khi đó thì Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất lên 17%.   

Nga đang ở giữa một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Ngày 15/12 vừa qua, đồng rúp bị mất giá 10%. Trong năm nay nó đã mất giá khoảng 40%. Lạm phát đang ở mức 10% nhưng được dự đoán tăng lên nhanh chóng.  

Trong những năm vừa qua hưởng lợi từ giá dầu tăng cao, nhưng nước Nga đã không thành công trong việc đa dạng hóa nền kinh tế. Việc phân phối nguồn lợi thu được từ dầu mỏ và khí đốt thông qua các ngân hàng, cho các doanh nghiệp vay không phụ thuộc vào nhu cầu của nền kinh tế, mà phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ.  

Các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên kinh tế Nga cũng góp phần gây khó khăn, nhưng vấn đề lớn nhất là của các Công ty Nga. Trong năm 2015, các công ty Nga phải trả 100 tỷ USD nợ nước ngoài (tất nhiên là các Ngân hàng phương Tây), khi mà rúp mất giá thì lại càng thiệt hại khi trả nợ bằng đôla. Những ông lớn trong ngành năng lượng như Gazprom và Lukoil đã lâm vào tình trạng khó khăn hơn nhiều.  

Các dự báo về dự trữ quốc gia Nga cũng đưa ra những con số bi quan: 416 tỷ USD vào trung tuần tháng 12/2014 và có thể giảm xuống mức 370 tỷ USD hoặc thấp hơn nữa vào đầu năm mới. Các biện pháp hành chính để ngăn các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi nước Nga thậm chí còn thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn nữa do sự sụt giảm lòng tin của nhà đầu tư. 

Saudi Arabia

Đất nước vùng sa mạc đã tích lũy được 1.000 tỷ USD trước khi bước vào cuộc chiến giá dầu. Chỉ mới đây, bộ trưởng tài chính Ibrahim Alassaf nói nước ông đã sẵn sàng cho những thách thức kinh tế toàn cầu trong năm 2015.  

Giá dầu thế giới duy trì mức cao trong một thế giới khá dài chính là giai đoạn nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới này hưởng lợi khủng khiếp: điểm giá 90 USD/ thùng đã giúp họ cân bằng ngân sách. Đợt này sẽ là đợt thâm hụt ngân sách đầu tiên kể từ năm 2009 nhưng với dự trữ quốc gia “khủng”, nước này có thể duy trì khá lâu được với giá dầu 60 USD/ một thùng. 

Cũng một phần lớn nguyên nhân là do nhu cầu giảm của Hoa Kỳ vào dầu Trung Đông giảm nhờ sản xuất dầu khí đá phiến, nhưng nguyên nhân quan trọng hơn cả, chính là mong muốn “dìm chết” nền kinh tế Iran. 
 
Theo Phúc Lai (tổng hợp)
Tuần VietnamNet
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”