DNews

Cuộc chiến chống lạm phát dần bước vào hồi kết?

Phương Liên

(Dân trí) - Lạm phát tại các nước phát triển có dấu hiệu hạ nhiệt mở ra cơ hội cho các Ngân hàng Trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm tới. Liệu cuộc chiến chống lạm phát đã bước vào hồi kết?

Cuộc chiến chống lạm phát dần bước vào hồi kết?

Lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến

Lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến tại các nền kinh tế phát triển. Điều này đánh dấu bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương.

Đà tăng giá tiêu dùng ở Anh, Mỹ và châu Âu đã hạ nhiệt làm dấy lên kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương có thể "hãm phanh" và bắt đầu giảm lãi suất vào năm tới.

Các chuyên gia cho rằng điều này là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, làm tăng triển vọng "hạ cánh mềm" sau chu kỳ tăng lãi suất liên tục thời gian qua. Không những vậy, nền kinh tế châu Âu cũng đang đứng trước bờ vực suy thoái.

Trái phiếu Chính phủ Mỹ và châu Âu cũng có dấu hiệu hạ nhiệt do các nhà đầu tư tin rằng lãi suất sẽ sớm giảm trong thời gian tới.

"Rõ ràng đây là một bước ngoặt đối với lạm phát", Stefan Gerlach, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland, nhấn mạnh với Wall Street Journal. "Các nhà đầu tư có thể sẽ bất ngờ trước việc các ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất nhanh như thế nào trong năm tới, có khả năng là giảm 1,5 điểm phần trăm".

Cuộc chiến chống lạm phát dần bước vào hồi kết? - 1

Đà tăng giá tiêu dùng ở Anh, Mỹ và châu Âu đã hạ nhiệt làm dấy lên kỳ vọng rằng các Ngân hàng Trung ương có thể "hãm phanh" và bắt đầu giảm lãi suất vào năm tới (Ảnh: Shutter Stock).

Lạm phát giảm mạnh trên toàn cầu cũng làm lộ rõ những nhân tố đã đẩy giá cả tăng cao, đặc biệt là thời điểm sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Những nhân tố này làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm lực lượng lao động và làm tăng giá năng lượng, đặc biệt là ở châu Âu. Hiện nay, những áp lực gây lạm phát này đã suy yếu.

Lạm phát cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố về cung, như gói kích thích trị giá hàng nghìn tỷ USD của Chính phủ Mỹ, và nhu cầu bị dồn nén cùng các khoản tiết kiệm của người tiêu dùng trong giai đoạn đại dịch.

Theo các nhà kinh tế học, đây chính là nguyên nhân khiến lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao sau gần 4 năm kể từ thời điểm đại dịch bùng phát và cần có những đợt nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

"Chúng ta đang dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng lạm phát"

Ngay cả các quốc gia nơi mà lạm phát được cho là dai dẳng nhất như Anh, cũng bắt đầu có những chuyển biến. Tuy nhiên, Ngân hàng  Trung ương Anh (BoE) cho biết còn quá sớm để nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất.

Lạm phát toàn khu vực Eurozone đã giảm xuống 2,4% trong tháng 11, gần với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Trong đó, nhiều quốc gia thành viên đã thông báo về tỷ lệ lạm phát dưới mục tiêu hoặc thậm chí là giảm phát.

Giá tiêu dùng hạ nhiệt đã thuyết phục một số nhà hoạch định chính sách châu Âu rằng cuộc chiến chống lạm phát đã giành thắng lợi, và cuộc chiến này không kéo dài như trong thập kỷ 70.

"Chúng ta đang dần thoát khỏi cuộc khủng hoảng lạm phát này", Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire phát biểu trong cuộc họp với các bộ trưởng châu Âu trong tuần trước. "Trong vòng chưa đầy 2 năm, châu Âu đã nỗ lực kiềm chế được lạm phát".

Các nhà đầu tư cũng tỏ ra lạc quan hơn. Họ cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ năm tới.

Cuộc chiến chống lạm phát dần bước vào hồi kết? - 2

Ngay cả các quốc gia nơi mà lạm phát được cho là dai dẳng nhất như Anh, cũng bắt đầu có những chuyển biến (Ảnh: MH).

Theo công ty dữ liệu Refinitiv, BoE cũng có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Các nhà đầu tư trên thị trường cho rằng khả năng Fed sẽ có thêm một đợt nâng lãi suất chỉ là 30%. Đáng chú ý, triển vọng Fed giảm lãi suất vào giữa năm sau đã tăng từ 23% lên 86%.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương tỏ ra thận trọng hơn, sau khi bất ngờ trước sự dai dẳng của lạm phát trong năm ngoái. BoE tháng trước cho hay vẫn còn quá sớm để tính đến việc giảm lãi suất, dự báo rằng lạm phát sẽ đạt mức mục tiêu 2% vào cuối năm 2025.

Không những vậy, giá năng lượng có thể tăng cao hơn nếu cuộc xung đột Israel - Hamas mở rộng ra các khu vực khác của Trung Đông. Các ngân hàng trung ương cũng cho rằng điều này có thể ảnh hưởng lớn đến tình hình lạm phát

Các nhà kinh tế học của Ngân hàng Morgan Stanley dự báo rằng BoE sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 5 năm sau, tiếp đến là Fed và ECB vào tháng sau đó. Mặc dù thời điểm dự báo có khác nhau, nhưng có một sự đồng thuận rằng lạm phát đang suy yếu và lãi suất thấp hơn là điều sẽ xảy ra.

"Chúng tôi dự báo rằng lạm phát và lãi suất ở khắp các nền kinh tế phát triển sẽ giảm trong năm 2024", Michael Saunders, cựu quan chức tại BoE, nhấn mạnh trong báo cáo.

"Chặng cuối" của cuộc đua tăng lãi suất

Trong trường hợp giảm lãi suất, một câu hỏi sẽ được đặt ra là liệu các ngân hàng có nâng lãi suất quá mạnh tay, đặc biệt là ở châu Âu.

Các nhà kinh tế học cho rằng những đợt nâng lãi suất trước đây đang bắt đầu ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, làm giảm hoạt động tín dụng và chi tiêu. Số lượng việc làm mới giảm mạnh và tỷ lệ thất nghiệp đang tăng lên ở cả Mỹ và châu Âu, từ đó làm chậm tốc độ tăng lương.

Không những vậy, theo nhiều nhà kinh tế học, các hộ gia đình sẽ ngại chi tiêu hơn, do lãi suất cao khiến họ muốn tiết kiệm hơn. Chia sẻ với Wall Street Journal, siêu thị Printemps ở Paris, Pháp đã sẵn sàng cho kỳ nghỉ lễ nhưng vẫn còn cân nhắc về số lượng hàng sẽ nhập vì người tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng chi nhiều tiền cho dịp cuối năm.

Trước tình hình lạm phát còn phức tạp, các điều kiện kinh tế trong nước có thể trở thành yếu tố quan trọng nhất khi các ngân hàng trung ương bước vào "chặng cuối" để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.

Ở Mỹ, lạm phát giảm nhiệt khi thị trường lao động và chi tiêu tiêu dùng hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức ổn định. Điều này khiến thị trường tin rằng sức ép giá sẽ tiếp tục giảm mà không gây ra suy thoái.

Trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, các quan chức của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) nhất trí giữ nguyên lãi suất ở vùng 5,25-5,5%. Các thành viên FOMC dự báo có thêm 4 đợt giảm lãi suất trong năm 2025 và thêm 3 đợt giảm trong năm 2026, từ đó đưa lãi suất về phạm vi 2-2,25%.

Michael Gapen, chuyên gia kinh tế Mỹ tại BoE, thừa nhận rằng nếu lạm phát tăng tốc trở lại, Fed có thể phải nâng lãi suất thêm. Tuy nhiên, ông cho rằng nền kinh tế nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt và tâm điểm chú ý sẽ chuyển sang các đợt giảm lãi suất trong năm 2024.

Cuộc chiến chống lạm phát dần bước vào hồi kết? - 3

Theo các nhà kinh tế học, các hộ gia đình sẽ ngại chi tiêu hơn, do lãi suất cao khiến họ muốn tiết kiệm hơn (Ảnh: Financial Times).

"Dự báo lãi suất rất quan trọng, vì phần lớn đà tăng gần đây của thị trường chứng khoán đến từ kỳ vọng lãi suất sớm giảm", Quincy Krosby, Trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu tại công ty môi giới LPL Financial, chia sẻ với CNBC. "Nếu họ phát tín hiệu đồng thuận, thị trường sẽ tiếp tục tăng mạnh".

Ở châu Âu, tình hình kinh tế lại thách thức hơn. Khu vực này đang đối diện với nhiều khó khăn về tăng trưởng, do thương mại toàn cầu suy giảm, Chính phủ giảm chi tiêu và đà tăng trưởng trì trệ ở thị trường xuất khẩu quan trọng là Trung Quốc.

Các hộ gia đình ở châu Âu cũng do dự hơn khi tiêu khoản tiền mà họ tiết kiệm được trong giai đoạn đại dịch. Tất cả những yếu tố này dẫn tới đà suy giảm kinh tế sâu hơn và lạm phát giảm nhiều hơn ở châu Âu, khiến ECB giảm lãi suất sớm hơn.

Bất chấp khả năng lãi suất thấp hơn trong tương lai, nhiều nhà kinh tế học và nhà đầu tư cho rằng việc quay trở lại thời kỳ lãi suất cực thấp trước đại dịch là khó xảy ra, do căng thẳng địa chính trị.

Lực lượng lao động có thể sẽ giảm ở các nền kinh tế lớn, bao gồm cả Trung Quốc, trong những năm tới khi hàng triệu người dân nước này nghỉ hưu. Căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây có thể sẽ làm tăng chi phí sản xuất khi các công ty chuyển dịch nhà máy sang các quốc gia khác.