Cuộc “cách mạng” mới cho hệ thống bán lẻ

Trong tháng 7 và 8, hàng trăm các Trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị, hàng ngàn cửa hàng bán lẻ theo phương thức văn minh, tiện lợi đã ra đời. Hệ thống phân phối bán lẻ đang thực sự bước vào cuộc “cách mạng” mới.

Sức hút từ tiềm năng

 

Tỉ trọng phát triển thương mại hiện đại ở các nước trên thế giới ngày càng cao, tại Mỹ là 90%, Trung Quốc là 56%, còn tại VN con số này chỉ vẻn vẹn có 15%. 85% còn lại của một thị trường hơn 80 triệu dân quả thật có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán hàng hiện đại.

 

Mô hình siêu thị xuất hiện tại VN những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, nhưng chỉ dừng ở mức độ tương đối sơ khai của một mô hình bán hàng hiện đại. Tức là mới chỉ có các siêu thị hoặc chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích mà chưa có đại siêu thị, tổng kho phân phối.

 

Mô hình phân phối và bán lẻ tại VN đang được thực hiện như sau: Nhà sản xuất- nhà phân phối và Metro; từ hai đầu mối này, hàng sẽ được đưa tới các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, trung tâm bán buôn để đến với người tiêu dùng.

 

Tuy nhiên, Metro còn có kênh tiếp cận riêng của mình là lấy hàng từ nhà sản xuất và đưa đến tận tay người tiêu dùng. Mô hình trung tâm bán buôn kiêm bán lẻ của Metro sẽ “bóp chết” các siêu thị và những cửa hàng mở ra quanh nó.

 

Bùng nổ

 

Sau sự ra đời đầu tiên của siêu thị Coopmart Cống Quỳnh, thuộc Liên hiệp HTX thương mại TPHCM tháng 2/1996, đến nay hơn 110 siêu thị, TTTM đã hình thành tại TP này.

 

Ngoài các siêu thị, TTTM có vốn đầu tư trong nước như hệ thống siêu thị Coopmart, siêu thị Sài Gòn, siêu thị Hà Nội, Maximark, Tax..., nhiều siêu thị, TTTM có vốn đầu tư nước ngoài đã đi vào hoạt động như Parkson, Zen Plaza, Diamond Plaza, Metro, Big C... khiến hệ thống phân phối, bán lẻ nước ta có nhiều biến chuyển.

 

Theo Bộ Thương mại, thị trường bán lẻ VN được đánh giá mỗi năm đạt doanh thu hơn 20 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng đến 30%/năm, với gần 85% người dân thành thị ở khu vực phía nam thường xuyên mua sắm tại các siêu thị, TTTM. Không dừng ở đây, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang ráo riết cho ra đời mạng lưới bán lẻ hiện đại.

 

Tháng 7 vừa qua, Saigon Coop đã đồng loạt khai trương 12 cửa hàng Coopmart. Ngày 5/8, Cty G7Mart đã tạo một cuộc đổi mới thị trường bán lẻ bằng việc ra đời 500 cửa hàng do G7 trực tiếp quản lý, 9.500 cửa hàng G7 thành viên và 70 trung tâm phân phối.

 

Sẽ chọn 20 DN phân phối hàng đầu

 

Sự xuất hiện của một số nhà phân phối nước ngoài trong giai đoạn vừa qua mới chỉ là thí điểm để tạo ra những mô hình cho các DN phân phối trong nước và xác định hướng đi.

 

Trong chiến lược phát triển thương mại sắp tới, Bộ Thương mại sẽ tạo điều kiện khuyến khích khoảng 20 nhà phân phối lớn phát triển theo hướng văn minh và hiện đại, nhưng phù hợp với điều kiện của VN.

 

Trong đó, sẽ tạo điều kiện cho các DN hoạt động thuận lợi, bố trí những vị trí kinh doanh phù hợp, đối xử trong đầu tư với các nhà phân phối thương mại ngang bằng và tương xứng như các nhà sản xuất.

 

(Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước Hoàng Thọ Xuân)

Tại thị trường HN, lớn nhất vào thời điểm này là Fivimart mở ra được 5 siêu thị, Intimex có 2, còn lại là các siêu thị nhỏ lẻ. Chính bởi vậy, khi một vài tên tuổi lớn như Metro, BigC xuất hiện, các siêu thị nhỏ trong nước như ngồi trên lửa. Sức hút về giá cả, về cách kinh doanh bài bản, về những chiến lược tiếp cận khách hàng khiến cho những đại siêu thị và trung tâm phân phối lớn này thu hút một lượng khách hàng khổng lồ.

 

Không chỉ dừng lại ở đó, những “đại gia” này còn đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh. Metro sắp hoàn thành đại siêu thị thứ hai, “chốt” ở cửa ngõ phía nam của thủ đô và trong kế hoạch bám rễ tại VN, tập đoàn này sẽ mở 8 trung tâm.

 

Ông Phạm Đình Đoàn - TGĐ Cty Phú Thái, một trong những nhà phân phối hàng tiêu dùng lớn nhất VN - cho biết: Việc hình thành chuỗi siêu thị như của Metro sẽ tác động rất lớn đến hệ thống siêu thị của VN.

 

Thị trường trong nước đang hình thành một số mô hình phân phối theo kiểu chuỗi cửa hàng tiện ích và nhượng quyền thương mại.

 

Ông Lý Quý Trung - Giám đốc Nam An Group và Phở 24-cho rằng: Với một thị trường đang chuẩn bị hội nhập như VN, một trong những mô hình phân phối phù hợp là nhượng quyền kinh doanh.

 

Hình thức bán lẻ hiện đại này sẽ giúp chia sẻ gánh nặng về rủi ro và tài chính; làm tăng giá trị thương hiệu, tăng doanh thu, đầu tư an toàn, được sự giúp đỡ của chủ thương hiệu và đặc biệt là tính đồng hoá, ổn định.

 

Được biết, với mô hình này, Nam An Group và Phở 24 đã mở được hàng chục cửa hàng trong nước và một số nước trong khu vực, dự kiến đến cuối năm 2007, DN này sẽ có 47 cửa hàng tại VN, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...

 

Với ông Hoàng Anh Tuân - GĐ chuỗi cửa hàng 24 Seven tại HN-thì hình thành chuỗi cửa hàng tiện ích cũng là một mô hình khá hiệu quả trong việc phân phối hàng hoá tại VN.

 

Ở VN, ngoài 24 Seven, đã có thêm Day & Night cũng đi theo mô hình phân phối này. Được biết, với mỗi cửa hàng nhượng quyền, chi phí đầu tư khoảng 700-900 triệu đồng, còn cửa hàng tiện lợi có mức đầu tư ít hơn, chỉ khoảng 100-300 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, không ít chuyên gia đã khuyến cáo rằng, những chuyển biến trong ngành thương mại hiện nay chủ yếu mang tính tự phát.

 

Do vậy, nếu ngành bán lẻ trong nước không kịp thời xây dựng, tổ chức lại hệ thống phân phối hiện đại, với một chiến lược đúng đắn, chúng ta sẽ khó cạnh tranh khi các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn lớn đặt chân vào thị trường này.

 

Các mô hình TM trên thế giới đã có tại VN:

 

Hệ thống phân phối bán sỉ, kho vận, hậu cần và marketing (Phú Thái, Diethem); đại siêu thị, siêu thị bán sỉ, siêu thị giảm giá (Metro); hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị chuyên ngành (BigC, Saigon Co.op, Caring, Ikea, Fivimart...); cửa hàng lẻ, cửa hàng chuyên ngành, cửa hàng thuận tiện (24 Seven, G7Mart...); các loại hình khác: Bán hàng đa cấp, truyền tin, bán hàng qua mạng...

 

Lộ trình hội nhập của dịch vụ phân phối và bán lẻ khi VN gia nhập WTO:

 

Mở rộng dịch vụ phân phối bằng cách tự do hoá bán buôn, bán lẻ và cấp quyền kinh doanh; sau thời điểm gia nhập, các công ty bán sỉ, bán lẻ, nhượng quyền thương hiệu của Mỹ được thành lập liên doanh; 1/1/2009, thành lập công ty 100% vốn nước ngoài; được phân phối cả hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước; mở cửa dịch vụ bán lẻ trực tiếp cho đại lý môi giới cá nhân.

 

Theo Th.Hà - M.Thoa

Báo Lao động