Cục Hàng hải phản đối việc sáp nhập các công ty hoa tiêu
(Dân trí) - Cục Hàng hải Việt Nam và 9 công ty Hoa tiêu Hàng hải vừa lên tiếng phản đối chủ trương của Ban Cán sự Đảng bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về chủ trương sáp nhập và chuyển nguyên trạng làm đơn vị thành viên của các Tổng Công ty BĐHH miền Bắc, miền Nam.
Nguyên nhân dẫn tới tình hình này bắt đầu từ việc Ban Cán sự Đảng bộ GTVT đã ban hành chủ trương “chuyển nguyên trạng các công ty hoa tiêu hàng hải và Công ty Trục vớt cứu hộ Việt Nam về làm đơn vị thành viên của các Tổng công ty Bảo đảm hàng hải miền Bắc và miền Nam”, đồng thời ra Quyết định thực hiện việc sáp nhập này. Tuy nhiên, ngay khi quyết định được ban ra thì lập tức “vấp” phải sự phản đối quyết liệt từ Cục Hàng hải Việt Nam và cả 9 công ty hoa tiêu hàng hải.
Gần gũi nhưng có tính đặc thù
Tại Việt Nam hiện nay, công việc bảo đảm hàng hải (BĐHH) đang được thực hiện bởi 2 Tổng Công ty BĐHH thuộc 2 vùng Bắc - Nam, với nhiệm vụ chính là khảo sát, đo đạc, vận hành luồng hàng hải và báo hiệu hàng hải cung cấp cho người đi biển...
Văn bản Cục Hàng hải gửi Bộ GTVT nêu rõ dịch vụ hoa tiêu hàng hải có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành hàng hải nói riêng và đất nước nói chung. Công tác hoa tiêu từ lâu đã được tách biệt rõ với đặc thù và tính chất quan trọng riêng của nó. Vì thế, việc sáp nhập lĩnh vực hoa tiêu với đảm bảo hàng hải liệu có thực sự cần thiết?
Trên thực tế, ngành GTVT đang thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi nhiều đơn vị trực thuộc, đồng thời đề xuất thành lập các Tập đoàn Cienco, nhưng nhiều các công ty Hoa tiêu Hàng hải đặt ra câu hỏi tại sao không sáp nhập các công ty hoa tiêu thành Tổng Công ty hoa tiêu để bảo đảm tính thống nhất và chuyên môn hóa trong công tác hoa tiêu dẫn tàu? Hoặc tại sao không sáp nhập 2 Tổng Công ty Bảo đảm An toàn hàng hải làm 1 để thống nhất quản lý trong cả nước về bảo đảm an toàn hàng hải? Tại sao không sáp nhập cả Công ty thông tin điện tử hàng hải Việt Nam thành 1 “siêu tổng công ty” vì cũng là cung cấp dịch vụ công ích hàng hải?
Việc sáp nhập này cũng không thống nhất tổ chức hoa tiêu hàng hải thành 1 mối vì vẫn còn có 3 công ty hoa tiêu thuộc các Bộ, ngành khác, trong đó có 01 công ty hoa tiêu đang thí điểm cổ phần hóa.
Cần có ý kiến từ Chính phủ
Những “thắc mắc” của Cục Hàng hải Việt Nam và các công ty hoa tiêu cũng dễ hiểu khi kết quả hoạt động thiếu hiệu quả, thua lỗ của các Tổng công ty, Tập đoàn như Vinashin, Vinalines và hiện đang phải tái cơ cấu, thế nhưng Bộ GTVT lại muốn thành lập tiếp các “siêu tổng công ty”!?
Các doanh nghiệp hoa tiêu cho rằng, hoa tiêu hàng hải với BĐHH tuy có tác động tương hỗ nhưng lại là 2 lĩnh vực khác biệt cả về trình độ chuyên môn cũng như công tác quản lý. Vì thế, nếu sáp nhập công ty hoa tiêu thành công ty con của BĐHH là không phù hợp, phát sinh nhiều bất cập trong tổ chức quản lý, điều hành, dẫn đến nguy cơ gây bất ổn cho tổ chức, ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ hoa tiêu dẫn tàu, tác động xấu đến ổn định kinh tế, xã hội khu vực.
Mặt khác, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì Tổng Công ty BĐHH là Công ty TNHH MTV hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con, trong khi đó công ty hoa tiêu cũng là công ty TNHH MTV có địa vị pháp lý tương đương với BĐHH, do vậy nếu chuyển các công ty hoa tiêu thành công ty con của BĐHH là không phù hợp với các quy định nêu trên.
Cùng với đó, tổ chức hoa tiêu hàng hải do Chính phủ quy định, việc sáp nhập vào bảo đảm an toàn hàng hải là việc thay đổi về tổ chức cần phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ trước khi tiến hành. Nếu xét rộng ra trên bình diện quốc tế, việc sáp nhập trên cũng không phù hợp, bởi hoa tiêu là tổ chức độc lập hoặc trực thuộc cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành chứ không trực thuộc doanh nghiệp khác...
Một số nhà chuyên môn trong lĩnh vực giao thông nhìn nhận, trước mắt nên giữ nguyên mô hình tổ chức hoa tiêu hàng hải hiện có để tránh xáo trộn ảnh hưởng đến hoạt động hoa tiêu dẫn tàu. Đồng thời, cho phép tiến hành thủ tục thành lập Hiệp hội Hoa tiêu hàng hải để có thể có tiếng nói chung hỗ trợ lẫn nhau về chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần tăng cường hiệu quả công tác dẫn tàu.