Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bị điều tra toàn diện
Thượng viện Mỹ ngày 11/5 đã bỏ phiếu về một loạt đề xuất sửa đổi đối với Dự luật Cải cách tài chính, văn kiện do đảng Dân chủ chấp bút và được xem là cuộc cải cách toàn diện nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước.
Theo đó, kiểm toán toàn diện FED trong vòng một năm để xem lại toàn bộ các khoản vay cũng như những hỗ trợ tài chính khẩn cấp khác mà thể chế này thực hiện kể từ ngày 1/12/2007 - thời điểm xảy ra một trong những cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. FED sẽ phải công khai danh tính những đối tượng nhận hơn 2 tỷ USD cứu trợ mà họ đã cấp trong giai đoạn trên.
GAO cũng sẽ đánh giá lại công tác quản lý của FED, bao gồm việc xem xét liệu các đề cử cho vị trí giám đốc của FED có động cơ phân biệt đối xử hay không, có xảy ra xung đột lợi ích nào hay không kể từ khi các thành viên Ủy ban Thị trường mở, cơ quan hoạch định chính sách của FED, được các ngân hàng thành viên bầu ra...
Trong khi đó, với 43 phiếu ủng hộ và 56 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã bác bỏ điều khoản do Thượng nghị sỹ John McCain bảo trợ, theo đó yêu cầu chính phủ ngừng hỗ trợ hai "đại gia" cho vay hàng đầu của Mỹ là ngân hàng Fannie Mae và Freddie Mac. Trong gần hai năm qua, Chính phủ Mỹ đã cấp cho hai ngân hàng này khoản cứu trợ 145 tỷ USD trong chương trình giải cứu thị trường nhà đất.
Tuy nhiên, Thượng viện nhất trí yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu và đưa ra khuyến nghị đối với chính phủ trong việc làm thế nào để có sự bảo trợ của chính phủ đối với hai công ty cho vay thế chấp nhà nói trên cũng như đối với toàn bộ hệ thống tài chính cho vay thế chấp.
Dự luật cải cách tài chính đề ra những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn, được Tổng thống Barack Obama hậu thuẫn, được đưa ra thảo luận trong tuần này và tuần sau.
Điểm gây tranh cãi nhiều nhất trong dự luật là cho phép FED cùng một hội đồng, do Bộ trưởng Tài chính Mỹ đứng đầu, giám sát các định chế tài chính lớn nhất của Mỹ. Các nhà quan sát cho rằng quyền lực của FED đã quá lớn, nếu lại được trao thêm quyền thì sẽ tạo ra những rủi ro mang tính hệ thống ngày càng lớn hơn.
Nếu dự luật trên được thông qua, lần đầu tiên người dân Mỹ sẽ được biết một cách chính xác những ngân hàng nào đã hưởng lợi từ khoản tiền cho vay trị giá hơn 2.000 tỷ USD với lãi suất bằng 0% hoặc gần bằng 0% mà FED cung cấp trong thời gian qua. Ngoài ra, những người đóng thuế cũng sẽ biết chính xác các điều khoản của những thỏa thuận tài chính này.
Trong một cuộc biểu quyết miệng, Thượng viện Mỹ cũng nhất trí yêu cầu chính phủ dùng các khoản tiền trả nợ của các ngân hàng và công ty gặp khó khăn để giảm thâm hụt chứ không để chi tiêu bổ sung. Một khi trở thành luật, biện pháp này sẽ giảm quy mô chương trình Cứu trợ các tài sản xấu (TARP) từ 700 tỷ USD xuống 550 tỷ USD và không cho phép Bộ Tài chính tái sử dụng các khoản tiền trả nợ vào các chương trình mới.
Dự kiến thâm hụt ngân sách của Mỹ có thể lên tới mức kỷ lục 1.500 tỷ USD trong tài khóa 2010.
Theo TTXVN/Vietnam+