1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cục Đăng kiểm nói gì về việc bị tố “trói chân” doanh nghiệp đóng tàu PPC

(Dân trí) - Các doanh nghiệp đóng tàu thuyền bằng vật liệu PPC cho rằng, việc Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cấp đăng kiểm cho hai tàu chở khách ( có sức chở 35 và 56 người) rồi lại đột ngột “giới hạn dưới 12 người” chẳng khác nào “trói chân”, gây khó cho doanh nghiệp…

Sản phẩm mới “ra lò” đã bị bỏ không

Như báo Dân trí trước đó phản ánh, ở Việt Nam hiện có 2 doanh nghiệp chuyên đóng tàu thuyền bằng vật liệu PPC (polypropylen copolyme) là Cty CP công nghệ Việt - Séc (KCN Sông Dinh, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Cty CP công nghệ James Boat (cảng Khuyến Lương, Hà Nội).

Một chiếc tàu chở khách được sản xuất bằng vật liệu PPC.
Một chiếc tàu chở khách được sản xuất bằng vật liệu PPC.

Nhưng theo hai doanh nghiệp này thì sau 6 năm nghiên cứu ứng dụng vật liệu này vào chế tạo phương tiện thủy (sản xuất ra hàng chục tàu, ca nô các loại), họ liên tục gặp khó khăn trong vấn đề đăng kiểm. Thậm chí, các daonh nghiệp không lần phải gửi văn bản kiến nghị đến Bộ GTVT, Ủy ban Khoa học KHCNMT của Quốc hội thì các vướng mắc về “chưa có tiêu chuẩn quy phạm áp dụng” mới được tháo gỡ.

Và tính đến thời điểm này, hai doanh nghiệp trên đã có 11 phương tiện (sức chở từ 12 người trở xuống) và 2 bến nổi được Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) hoàn thành việc thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật và cấp đăng kiểm. Ngoài ra, VR cũng cấp đăng kiểm thử nghiệm cho 02 tàu khách Ferry 42 (sức chở 32 người) và Ferry 56 (sức chở 56 người) cho Cty cổ phần Công nghệ James Boat để sử dụng tại Công ty TNHH VinPearl Nha Trang (nay đổi tên thành Chi nhánh Nha Trang - Công ty cổ phần VinPearl).

Đây được coi là hai tàu khách lớn nhất thế giới hiện nay được chế tạo bằng vật liệu PPC. Tin tưởng vào những thành công ban đầu, hai DN này tiếp tục ký các hợp đồng đóng tàu mới với khách hàng với sức chở từ 20 đến 35.

Nhưng theo phản ánh của doanh nghiệp thì với việc ra đời của QCVN 95: 2016/BGTVT ban hành kèm Thông tư 43 (có hiệu lực từ ngày 28/7/2017), các sản phẩm mới “ra lò” nói trên gần như không còn cơ hội được đăng kiểm. Việc “đổ bể” hàng loạt hợp đồng khiến cho DN thiệt hại nhiều tỷ đồng và phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Cty CP Công nghệ Việt- Séc cho rằng “việc hạn chế kích cỡ phương tiện đóng bằng PPC có chiều dài tối đa dưới 20 m, có sức chở đến 12 người” theo Thông tư 43 chẳng khác nào “trói chân” doanh nghiệp, khiến PPC không thể được ứng dụng trong chế tạo tàu khách, du thuyền.

Lý lẽ của VR xung quanh việc “cấp” rồi lại “dừng”

Trước phản hồi của các DN đóng tàu thuyền PPC, mới đây, Cục đăng kiểm Việt Nam (VR) đã có Thông cáo gửi các cơ quan báo chí. Theo thông cáo trên thì: PPC là một loại nhựa nhiệt (thermoplastic) nhập khẩu từ nước ngoài và trên cơ sở kinh nghiệm của một số nước, VN đã nghiên cứu ứng dụng PPC trong chế tạo phương tiện thủy để sử dụng thử nghiệm, đồng thời Việt Nam cũng là nước đầu tiên xây dựng quy chuẩn quốc gia áp dụng đối với các phương tiện thủy chế tạo bằng vật liệu này.

Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm, trao đổi với phóng viên Dân trí.
Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm, trao đổi với phóng viên Dân trí.

Vật liệu PPC có các ưu điểm như nhẹ, dễ sản xuất, không cần sơn chống ăn mòn, không hấp thụ nhiệt. Tuy nhiên, theo tài liệu và thông tin nhà sản xuất vật liệu này cung cấp thì PPC còn có nhiều điểm hạn chế như dễ cháy, dễ biến dạng nhiệt, độ bền không cao, bị rão và đặc tính cơ học sẽ suy giảm theo thời gian.

Cũng theo VR thì thời gian qua cơ quan này đã tiến hành trao đổi với các tổ chức đăng kiểm hàng đầu thế giới và tiến hành khảo sát thực tế ở một số nước thì nhận thấy vật liệu PPC mới chỉ được sử dụng để chế tạo tàu thuyền vui chơi giải trí, tàu thuyền công tác với chiều dài không quá17m, sức chở tối đa không quá 12 người.

Hiện chưa có nước nào thực hiện việc thử nghiệm đối với tàu thuyền có sức chở trên 12 người bằng vật liệu PPC. Ngoài ra, “căn cứ vào kết qủa thử nghiệm nêu trong báo cáo thử nghiệm sau khi so sánh với các yêu cầu nêu trong FTP Code thì vật liệu PPC cháy tại điều kiện thử 25kw/m2 có lửa mồi và 50kw/m2 không có lửa mồi, đồng thời có mật độ quang khói khi cháy cao hơn mức cho phép nêu trong FTP Code; khi cháy không sinh ra các khí hoặc khói độc vượt quá tiêu chuẩn cho phép nêu trong FTP Code…”.

Từ đó, VR cho rằng cần phải xem xét thận trọng khi sử dụng vật liệu PPC trong chế tạo phương tiện thủy. Tuy VR nêu ra nhiều điểm hạn chế của vật liệu PPC nhưng cơ quan này cũng thừa nhận thời gian qua đã cấp đăng kiểm thử nghiệm cho tàu Ferry 42 (sức chở 32 người) và Ferry 56 (sức chở 56 người) và ghi danh “VN là nước đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng vật liệu PPC trong chế tạo phương tiện thủy có sức chở trên 12 người”.

Để làm rõ các kiến nghị của doanh nghiệp, phóng viên Dân trí đã có buổi làm việc với lãnh đạo VR. Tại buổi làm việc có ông Nguyễn Vũ Hải- Phó Cục trưởng VR, ông Vũ Anh- Trưởng phòng công nghiệp VR, ông Đỗ Trung Học- Trưởng phòng tàu sông VR.

Trước câu hỏi của PV về việc tại sao VR luôn đưa ra cảnh báo “vật liệu PPC có những vấn đề cần phải xem xét thận trọng khi sử dụng trong đóng tàu thuyền” và “hiện chưa có nước nào thực hiện thử nghiệm đối với tàu, thuyền có sức chở trên 12 người” nhưng VR vẫn cấp đăng kiểm cho tàu Ferry 42 và Ferry 56.

Ông Nguyễn Vũ Hải khẳng định: Các đăng kiểm được cấp cho hai tàu trên là đăng kiểm thử nghiệm, dựa trên các tiêu chuẩn như tính năng an toàn, đảm bảo độ ổn định, có đủ độ bền, phải chạy được, không phát sinh nguy hại cho môi trường, tính nổi…Việc thử nghiệm này kéo sẽ kéo dài trong 3 năm ( hết quý II/2018 mới kết thúc). Lãnh đạo, cán bộ VR thừa nhận, đến thời điểm hiện tại chưa có ghi nhận hay kết luận nào về các sự cố được cho là do vật liệu PPC gây ra.

Về sự cố tràn nước vào khoang máy tàu thử nghiệm tàu Ferry 56, văn bản của đơn vị sử dụng tàu này ghi rõ: “Thiết bị làm kín nước của khớp nối cắt đăng bị rách hoàn toàn, ổ bi đỡ trục nối giữa đầu máy chính và khớp nối các đăng bị vỡ vòng bi trong và bi đỡ dẫn đến việc nước tràn vào khoang máy”. Như vậy, đến thời điểm này cũng chưa có căn cứ, kết luận nào nói rằng sự cố trên là do vật liệu PPC gây ra.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trong thời gian tới, VR có xem xét đăng kiểm cho tàu đóng bằng vật liệu PPC có sức chở trên 12 người, đại diện cho VR khẳng định là không cản trở, hay “trói chân” doanh nghiệp. “Thông tư 43 ra đời chưa bao giờ chúng tôi nói là cấm đóng các phương tiện có sức chở trên 12 người. Chúng tôi chỉ nói là quy chuẩn áp dụng cần tiếp tục được nghiên cứu”, ông Nguyễn Vũ Hải, Cục phó VR cho biết.

Còn Ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Cty CP Công nghệ Việt- Séc tỏ ra bức xúc: Bất cứ vật liệu nào cũng có ưu điểm và nhược điểm, điều quan trọng là người thiết kế, sản xuất tàu phải biết tận dụng ưu điểm và hạn chế khuyết điểm của vật liệu. Không vì một sự cố của hai chiếc tàu Ferry42 và Ferry 56 (đến nay cũng chưa có kết luận nào cho rằng do vật liệu PPC gây ra) mà dừng không cho DN phát triển tàu thuyền có sức chở lớn hơn.

Trước khi Thông tư 43 ra đời, VR cũng không có bất kỳ cảnh báo nào về việc sẽ “giới hạn sức chở dưới 12 người” mà chỉ có các lưu ý chung chung về nhược điểm của vật liệu PPC khiến DN tiếp tục ký kết hợp đồng với khách hàng và cho “ra lò” hàng loạt sản phẩm mới. Sự thiếu nhất quán của VR trong việc “cấp” rồi lại “giới hạn” đó khiến DN thiệt hại nhiều tỷ động và có nguy cơ phá sản.

Tuấn Hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm