1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Cục Đăng kiểm hướng dẫn cách phòng tránh cháy, nổ xe

(Dân trí) - Thời gian gần đây, tình trạng xe cháy đã xuất hiện trở lại. Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn chưa thể đưa ra nguyên nhân thuyết phục về tình trạng này. Do đó, việc quan trọng là người điều khiển phương tiện phải biết cách để phòng tránh nguy cơ cháy nổ.

Có thể điểm một số vụ cháy gần đây khiến dư luận bất an bởi nguyên nhân mịt mờ và hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Ngày 6/6, trên quốc lộ 51 (đoạn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), một xe khách giường nằm chạy tuyến tỉnh Bình Thuận – Vũng Tàu – TPHCM bất ngờ phát nổ rồi bốc cháy dữ dội. May mắn là 30 hành khách trên xe kịp thoát chết trong gang tấc.

Còn trước đó, rạng sáng 22/5, trên quốc lộ 1 (đoạn thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), xe khách của Công ty Sơn Quy (Hà Tĩnh) và xe khách Phương Trang đã tông nhau, bốc cháy dữ dội. Sau đó, một tài xế xe tải không xử lý kịp đã tông vào, gây tai nạn liên hoàn. Vụ tai nạn thảm khốc này làm 13 hành khách tử vong và gần 40 người bị thương. Khoảng thời gian này cũng xảy ra nhiều vụ xe cháy ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Hai xe khách tông nhau và bốc cháy dữ dội tại tỉnh Bình Thuận. Vụ tai nạn khiến 13 người chết và gần 40 người bị thương
Hai xe khách tông nhau và bốc cháy dữ dội tại tỉnh Bình Thuận. Vụ tai nạn khiến 13 người chết và gần 40 người bị thương

Liên quan đến tình trạng xe cháy, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Trí – Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Thưa ông, thời gian qua xảy ra nhiều vụ ô tô cháy, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam thì nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu từ đâu?

Hiện tượng cháy xe không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia khác đều có cũng như các tai nạn. Tại Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đều có các tổ chức chuyên nghiên cứu về hiện tượng cháy xe. Ở Việt Nam, từ năm 2013 - 2015, hiện tượng cháy xe đã giảm, tuy nhiên thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều vụ xe cháy, đặc biệt là xe khách.

Xe cháy do nhiều nhóm nguyên nhân như: cháy do nhiên liệu, phụ gia sử dụng có pha thêm tạp chất; do hệ thống điện, hệ thống tản nhiệt, làm mát, xả khí không đảm bảo hoặc bị hư hỏng; do rò rỉ nhiên liệu; tác động của nhiên liệu do sử dụng vật liệu chế tạo làm các chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu (các đường ống dẫn nhiên liệu). Ngoài ra, cháy còn do ảnh hưởng của các kết cấu xe, cháy do cố ý, cháy do hàng hóa vận chuyển trên xe, chất dễ cháy, nổ.

Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cơ quan khác đang tập trung nghiên cứu về nguyên nhân cháy, nổ xe.

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ sở đăng kiểm các phương tiện cũng có một phần trách nhiệm khi xảy ra cháy, nổ. Vậy thời gian qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tiến hành kiểm tra các phương tiện như thế nào, có đảm bảo quy trình chặt chẽ; đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật?

Việc đảm bảo an toàn của phương tiện là trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm, tuy nhiên khi có tai nạn, cháy nổ xảy ra thì việc cấp bách là cần điều tra nguyên nhân. Hiện nay, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn là cơ quan trực tiếp điều tra, theo dõi các vụ cháy, nổ xe. Cơ quan đăng kiểm ngay khi có thông tin sẽ tăng cường kiểm soát, yêu cầu các Trung tâm đăng kiểm tăng cường kiểm tra hầm hàng.

Trên thực tế hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đã rõ ràng, để hạn chế tình trạng cháy, nổ thì chủ phương tiện phải bảo hành, bảo dưỡng thường xuyên. Đối với chủ xe phải có hướng dẫn thoát hiểm trước khi xuất bến như: chỉ dẫn về các cửa thoát hiểm, lối thoát hiểm, sử dụng búa phá cửa khi có sự cố, vị trí đặt bình cứu hỏa…

Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam có quy định “tuổi thọ” đối với xe khách như thế nào?Việc kiểm tra và cấp phép sử dụng theo tuổi thọ hay dựa vào tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật?

Về niên hạn xe khách (tuổi thọ) được quy định tại Nghị định của Chính phủ. Hiện đang áp dụng niên hạn sử dụng của xe khách là 20 năm. Kiểm định định kỳ căn cứ theo các quy định, quy chuẩn hiện hành.

Có ý kiến cho rằng hầu hết xe bị cháy là xe lắp ráp nội địa, còn xe nhập khẩu thì không. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam có đúng không? Có phải xe lắp ráp ở Việt Nam kém chất lượng?

Các hiện tượng cháy nổ xảy ra đối với xe cơ giới trên thực tế không phân biệt xe sản xuất lắp ráp trong nước hay nhập khẩu. Các ý kiến cho rằng như thế là không phù hợp. Bởi vì xe cơ giới sản xuất lắp ráp trong nước hay nhập khẩu đều được kiểm soát bởi cùng một hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện, trong thời gian tới Cục Đăng kiểm Việt Nam có kế hoạch gì? Cục Đăng kiểm tiến hành điều tra chung về nguyên nhân cháy nổ của các phương tiện cụ thể ra sao?

Để đảm bảo an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy, nổ, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã triển khai đến tất cả các trung tâm đăng kiểm, tăng cường kiểm soát các phương tiện có các kết cấu dẫn đến nguy cơ cháy, nổ; đặc biệt các hành vi tự ý lắp đặt thêm các kết cấu, thiết bị không theo thiết kế của nhà sản xuất.

Các phương tiện chở chất dễ cháy, nổ cần được khuyến cáo, tuyên truyền, hướng dẫn về cách thức vận chuyển để người dân biết nhằm hạn chế các nguyên nhân gây cháy trong quá trình vận chuyển.

Đối với các phương tiện ô tô, xe máy mới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu vào Việt Nam đã được cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, người sử dụng phương tiện yên tâm dùng.

Tuy nhiên, người sử dụng phương tiện cần sử dụng xe đúng cách; có thói quen chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ; không tự ý thay đổi kết cấu của xe; sử dụng và thay thế các phụ tùng có nguồn gốc, xuất xứ, nhất là các phụ tùng liên quan trực tiếp đến các bộ phận có nguy cơ gây cháy; thận trọng khi lái xe qua các khu vực có nhiều rơm, rạ phơi trên đường hoặc có nhiều rác dễ cháy như giấy, túi ni lon, cỏ khô.

Chủ phương tiện chỉ mua nhiên liệu từ các trạm nhiên liệu có uy tín về chất lượng. Không tự ý sử dụng phụ gia tiết kiệm nhiên liệu trôi nổi trên thị trường.

Trong thời gian tới, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để xác định toàn diện, đầy đủ căn cứ, cơ sở khoa học về nguyên nhân gây cháy, nổ ô tô và xe máy. Trong đó, tập trung nghiên cứu về ảnh hưởng của phụ gia nhiên liệu và nhiên liệu đến các vật liệu làm chi tiết tiếp xúc với nhiên liệu trong phương tiện giao thông.

Bên cạnh đó, đánh giá khả năng gây cháy từ các bộ phận trong phương tiện; ảnh hưởng của các kết cấu, vật liệu tới khả năng cháy, nổ phương tiện; các nguyên nhân từ thao tác kỹ thuật vận hành, môi trường và địa điểm tổ chức bảo quản phương tiện đến khả năng gây cháy.

Quốc Anh (thực hiện)

Cục Đăng kiểm hướng dẫn cách phòng tránh cháy, nổ xe - 2