Cửa hàng Made in Vietnam: “Treo đầu dê bán thịt chó”
Hiện nay, nhiều người tiêu dùng bắt đầu thích hàng may mặc Việt Nam. Tuy nhiên, lợi dụng điều này, một số cửa hàng treo biển “Made in Viet Nam” nhưng lại không bán hàng Việt Nam khiến không ít người tiêu dùng bức xúc.
Hàng Việt Nam, nhãn mác nước ngoài
Thời gian gần đây, may mặc Việt Nam thực sự đang được người tiêu dùng quan tâm và hướng tới. Thực tế cho thấy, hầu hết các tuyến đường đều “mọc” lên nhan nhản các cửa hàng với nhãn hiệu “Made in Viet Nam” để thu hút người tiêu dùng.
Theo quan sát của PV, một số cửa hàng treo biển “Made in Viet Nam” tuy nhiên trên nhãn mác của quần áo không ghi nơi sản xuất tại Việt Nam. Thắc mắc về điều này, một nhân viên một cửa hàng trên đường Cầu Giấy khó chịu: “Đây là hàng xuất khẩu nên không ghi sản xuất tại Việt Nam”.
Vì sao hàng xuất khẩu sang nước ngoài lại không ghi nơi sản xuất, liệu khách nước ngoài có biết đây là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam? Nhân viên này giải thích ngay: “Hàng này chủ yếu xuất khẩu, nhưng do không xuất khẩu được nên mới bán ở Việt Nam vì thế mà trên nhãn mác không ghi nơi sản xuất” !?
Theo tìm hiểu của PV, ngoài việc “mập mờ” về nhãn mác, một số cửa hàng bán quần áo Việt Nam còn bán cả quần áo của các nước khác với nhãn mác Trung Quốc, Hàn Quốc…
Chị H, nhân viên một cửa hàng “Made in Viet Nam” khác trên đường Cầu Giấy thật thà: “Hàng Việt Nam mẫu mã không được đẹp mắt, giá cả lại đắt nên rất nhiều khách hàng chê, vì vậy mà cửa hàng mới lấy thêm hàng của Trung Quốc… bán cho phong phú”.
Chị cũng cho biết thêm, bây giờ ít cửa hàng nào treo “Made in Viet Nam” mà bán duy nhất hàng Việt Nam, vì lợi nhuận hàng Việt Nam mang lại ít, do phải “sang tay” nhiều lần, giá bị đẩy lên cao, bán ra không có lãi mấy.
Vi phạm pháp luật?
Nhiều người tiêu dùng tỏ ra bức xúc khi các cửa hàng treo biển “Made in Viet Nam”, nhưng lại bày bán rất nhiều hàng của các nước khác.
Chị Lan (Kim Mã) ra khỏi cửa hàng trong tâm trạng bức xúc: “Tôi thấy treo biển bán hàng Việt Nam, vậy mà vào cửa hàng chỉ có một số hàng của Việt Nam (mẫu mã không đẹp, giá cao), còn lại toàn hàng của các nước khác”.
Không chỉ riêng chị Lan, một số người tiêu dùng khác cũng tỏ ra bất bình trước việc “treo đầu dê, bán thịt chó” của một số cửa hàng. Anh Tùng (Tôn Đức Thắng) cho rằng: “Nếu làm như thế họ sẽ dần mất khách và đánh mất niềm tin ở khách hàng”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, việc treo biển một kiểu mà bán hàng một kiểu là hành vi lừa dối người tiêu dùng, bên cạnh đó sản phẩm không phải của Việt Nam mà lại gắn mác Việt Nam thì đó là hàng nhái, tức là đã vi phạm pháp luật.
Ông cũng khẳng định, trong những trường hợp này, người tiêu dùng có thể góp ý kiến với doanh nghiệp về hành vi của họ, hoặc kiến nghị lên Hội Bảo vệ người tiêu dùng để được bảo vệ quyền lợi một cách chính đáng nhất.