"Của Caesar trả về Caesar", tái mặt khi VN-Index cắm đầu lao dốc
(Dân trí) - Việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn trên thị trường chứng khoán thời điểm hiện tại trở nên đầy thách thức, không hề dễ dàng. Nhiều nhà đầu tư lỡ giải ngân sớm đã "hớ" nặng khi giá cổ phiếu quay đầu.
Rất khó chống đỡ áp lực nguồn cung. VN-Index "nhú xanh" đầu phiên trở thành yếu tố bất lợi khiến những nhà đầu tư cầm tiền không dám "vào hàng" còn người ôm cổ phiếu tranh thủ hạ tỷ trọng.
Chỉ số đại diện sàn HoSE nhanh chóng quay đầu và lao dốc đến hết phiên sáng. Đồ thị VN-Index cắm xuống mốc thấp nhất phiên sáng, xuyên thủng 1.160 điểm, đánh mất 24,85 điểm tương ứng 2,11% còn 1.154,91 điểm.
VN30-Index mất 26,45 điểm tương ứng 2,22%; HNX-Index giảm 4,05 điểm tương ứng 1,7% và UPCoM-Index giảm 1,09 điểm tương ứng 1,21%.
Trong khi giá cổ phiếu rơi mạnh thì thanh khoản thị trường lại xuống thấp. Khối lượng giao dịch trên HoSE sáng nay chỉ còn 416 triệu cổ phiếu tương ứng 8.344 tỷ đồng và con số này trên HNX là 43 triệu cổ phiếu tương ứng 714 tỷ đồng; UPCoM có 19 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 250 tỷ đồng.
Chưa xảy ra bán tháo nhưng áp lực bán đang rất mạnh và lan rộng khắp thị trường. Hết phiên sáng, trên cả 3 sàn có 711 mã giảm giá so với 154 mã tăng. Trong đó, rổ VN30 có 26 mã giảm.
VIC tiếp tục diễn biến xấu và trở thành gánh nặng của VN-Index. Mã cổ phiếu của Vingroup sáng nay để mất 3,2% còn 63.700 đồng kéo giảm VN-Index 2,03 điểm; trong khi 2 mã còn lại cùng hệ sinh thái là VHM cũng mất 2,3% và VRE mất 3,6%.
"Của Caesar, trả về Caesar", việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn trên thị trường chứng khoán thời điểm hiện tại trở nên đầy thách thức, không hề dễ dàng.
Những nhà giao dịch nắm giữ cổ phiếu bất động sản đang phải chứng kiến tài khoản hao hụt nhanh chóng do đà giảm nhanh của cổ phiếu này. Đặc biệt là những người mua vào cổ phiếu vào thời điểm tăng giá đầu phiên hoặc trong phiên hồi phục kỹ thuật hôm qua, theo đó khi giá cổ phiếu giảm mạnh vào sáng nay sẽ khó tránh khỏi lo lắng.
Chưa có cổ phiếu giảm sàn nhưng trên HoSE, hàng loạt cổ phiếu bất động sản đang giảm rất sâu. SJS giảm 6,3%, ITC giảm 5,7%; NVL giảm 5,4%; PDR giảm 5,4%; VRC giảm 5,4%; KHG giảm 5,2%; DXS giảm 5%.
Tương tự là cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu. Áp lực bán mạnh hiện diện tại NHA khi mã này giảm 6,4%; SC5 giảm 6,3%; CTD giảm 5,4%; HT1 giảm 4,9%; FCN giảm 4,3%; EVG giảm 4,1%; CII giảm 3,7%...
Trong phiên hôm qua, cổ phiếu ngành ngân hàng là trụ kéo thị trường, sáng nay hầu hết theo quán tính vẫn tiếp tục tăng giá. Tuy nhiên, cuối phiên sáng, các mã này đã điều chỉnh mạnh. STB giảm 3,5%; VPB giảm 3,1%; CTG và VIB cùng giảm 3%; SHB giảm 2,9%; TCB giảm 2%...
Cổ phiếu ngành tài chính cũng đổi màu chóng vánh. Một số mã đầu phiên tăng song hiện tại giảm rất mạnh. Điều này cũng có nghĩa rất nhiều nhà đầu tư đã "mua hớ" khi vội vàng giải ngân. AGR giảm 6,7%; CTS giảm 5,4%; VIX giảm 5,2%; BCG giảm 4,9%; OGC giảm 4,8%; FTS giảm 4,4%; BSI giảm 4,3%; HCM giảm 4%...