1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh:

"Cứ tăng giá là phản ứng, chắc chắn đất nước không phát triển được"

(Dân trí) - Trong khi Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, tâm lý bao cấp nặng nề, cứ tăng giá là phản ứng thì chắc chắn đất nước không phát triển được thì Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, phải hiểu đúng "định hướng XHCN" không có nghĩa là bao cấp.

Mối lo về mất cân đối cán cân ngân sách một lần nữa được đưa ra tại Thường vụ Quốc hội
Mối lo về mất cân đối cán cân ngân sách một lần nữa được đưa ra tại Thường vụ Quốc hội

Dự kiến hụt thu 21.000 tỷ đồng so với dự toán

Trình bày các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong 3 năm 2011 - 2013, kế hoạch 2014 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, hết 9 tháng đầu năm tổng thu ngân sách đã tăng 8,78% so với cùng kỳ song mới chỉ đạt 66,6% dự toán cả năm.

Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút cùng với việc thực hiện miễn giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… đồng thời, kim ngạch xuất nhập khẩu một số mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao giảm mạnh dã dẫn đến thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt thấp hơn so với dự toán.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách vẫn tăng 7,4% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu bội chi ngân sách cả năm gần như không thể giữ được và sắp tới sẽ phải trình Quốc hội nâng trần bội chi lên 5,3% GDP trong năm 2014.

Tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, do thu chi ngân sách nhà nước tiếp tục mất cân đối trong năm 2013 nên dự kiến sẽ hụt thu khoảng 21.000 tỷ đồng so với dự toán (nếu trừ các khoản ghi thu NSNN ngoài dự toán thì hụt khoảng 59.430 tỷ đồng).

Dự báo, năm 2014 có khả năng sẽ hụt thu ở mức cao hơn nên khó đạt chỉ tiêu đến năm 2015 bội chi ngân sách kể cả trái phiếu Chính phủ dưới 4,5% GDP theo Nghị quyết Quốc hội.

Nền kinh tế chất lượng phải là nền kinh tế minh bạch

Nguồn vốn cho đầu tư phát triển thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, nguyên nhân một phần do chủ trương, quan điểm phát triển còn khác nhau, chưa thông suốt và chưa đạt được sự đồng thuận cao nên dẫn đến đổi mới thể chế còn ngập ngừng, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường, chưa tạo được đột phá trong huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
 
Mối lo về mất cân đối cán cân ngân sách một lần nữa được đưa ra tại Thường vụ Quốc hội

“Tư tưởng bao cấp của chúng ta vẫn còn nặng nề. Cứ tăng giá là phản ứng thì chắc chắn đất nước không phát triển được”, Bộ trưởng Vinh đánh giá.

“Tư tưởng bao cấp của chúng ta vẫn còn nặng nề. Việc cần làm là phải đổi mới thể chế một cách mạnh mẽ. Chỗ nào bao cấp thì bao cấp, chỗ nào cần phải xã hội hóa thì phải xã hội hóa. Nhưng, nhiều lĩnh vực chúng ta cứ đụng đến xã hội hóa là lại co lại”.

Ông dẫn chứng, để giải quyết tình trạng thiếu vốn trong  xây dựng phát triển hạ tầng đường sá thì điều cần phải làm là nâng phí. Tương tự với các dịch vụ giáo dục và y tế. Trong khi đó, “cứ tăng giá là phản ứng thì chắc chắn đất nước không phát triển được”, Bộ trưởng Vinh đánh giá.

Nhận xét về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, theo nguyên tắc, bội chi chỉ để đầu tư, tuy nhiên, trên thực tế, phần đầu tư trên bội chi đang ngày càng xấu đi.

Ông nói, “một nền kinh tế chất lượng phải là một nền kinh tế minh bạch và là nền kinh tế thật – không phải là nói vậy mà không phải vậy”.

Có những lĩnh vực công như giáo dục và y tế, trong khi nhu cầu vốn lớn, thì cung ứng lại ít, yêu cầu chi phí cao nhưng nguồn thu lại thấp. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, liệu có phải là chúng ta đang đòi hỏi “một nền giáo dục rẻ, một nền y tế chất lượng cao mà giá thành rẻ” liệu có thể hay không?

Ông yêu cầu cần phải hiểu đúng, phải giải thích rõ ràng về “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà đất nước đang hướng đến. Theo đó, “định hướng xã hội chủ nghĩa”  tức là có những đối tượng người nghèo, người có công, đối tượng chính sách thì Nhà nước phải lo, không gọi là “bao cấp”. Còn đã là “kinh tế thị trường” thì phải đầy đủ!

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm