1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cú “soán ngôi” bất ngờ, cổ phiếu công ty bà Thanh Phượng có “hồi sinh”?

(Dân trí) - Cổ phiếu VCI của công ty do bà Nguyễn Thanh Phượng sáng nay đã hồi phục sau chuỗi giảm giá đánh mất hơn 15% giá trị trong 10 ngày qua. Mã này diễn biến bất lợi bất chấp trong quý IV, Bản Việt đã vươn lên dẫn đầu thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trên HSX.

Theo thống kê, phiên giao dịch sáng nay (9/1/2019), toàn thị trường có 304 mã tăng giá, 32 mã tăng trần, gấp đôi so với 154 mã giảm, 23 mã giảm sàn.

Nhờ đó, VN-Index bật tăng khá mạnh 9,35 điểm tương ứng tăng 1,05% lên 896,79 điểm trong khi HNX-Index đạt mức tăng 0,78 điểm tương ứng 0,77% lên 102,05 điểm.

Thanh khoản cải thiện so với các phiên trước, song vẫn khá thấp. Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 94,98 triệu cổ phiếu tương ứng 1.683,37 tỷ đồng còn tại HNX là 17,77 triệu cổ phiếu tương ứng 220,58 tỷ đồng. Vẫn còn tới 970 mã cổ phiếu trên toàn thị trường “tê liệt” thanh khoản, không hề diễn ra giao dịch nào.

Trong phiên sáng, chỉ số chính VN-Index nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ các mã lớn như VNM, VRE, VCB, BID, GAS… Mỗi mã đóng góp cho VN-Index trên dưới 1 điểm. Thêm vào đó, TCB, CTG, HPG, PLX, MBB tăng giá cũng có tác động tích cực đến thị trường chung. Ở chiều ngược lại, NVL vẫn tiếp tục mất giá bên cạnh VIC, ROS, YEG…

Cú “soán ngôi” bất ngờ, cổ phiếu công ty bà Thanh Phượng có “hồi sinh”? - Ảnh 1.

Giữ vai trò chủ chốt song bà Nguyễn Thanh Phượng vẫn không phải là cổ đông lớn của VCI

Cổ phiếu VCI của Công ty chứng khoán Bản Việt đã có chuỗi giảm dài từ 28/12 đến 8/1, mất tổng cộng 7.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm tới 15,22% giá trị.

Tuy nhiên, đến sáng nay, mã này bất ngờ hồi phục với mức tăng 450 đồng tương ứng 1,2% lên 39.450 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thanh khoản tại mã này vẫn rất thấp, chỉ đạt hơn 91 nghìn cổ phiếu. Ở mức giá này, vốn hóa thị trường của Chứng khoán Bản Việt hiện ở mức 6.355,16 tỷ đồng.

Mới đây, Bản Việt đã gây bất ngờ khi vượt qua hai “ông lớn” là SSI và HSC để vươn lên vị trí số 1 về thị phần môi giới quý IV/2018.

Thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ của Bản Việt trong quý IV/2018 vừa rồi đã đạt 17,04% trong khi thị phần của SSI là 14,99%, của HSC là 9,52%, của VNDirect là 6,36%...

Sự đột phá của Bản Việt về thị phần môi giới trên HSX trong quý IV vừa qua được cho là đến từ các thương vụ giao dịch thỏa thuận lớn cổ phiếu MSN. Cụ thể, Ma San đã bán 11.000 tỷ đồng cổ phiếu quỹ cho SK Group còn quỹ đầu tư KKR cũng đã bán 5.000 tỷ đồng cổ phiếu này.

Tính chung cả năm 2018, thị phần môi giới của Bản Việt trên HSX đạt 10,95%, vẫn xếp sau SSI (18,7%) và HSC (11,24%).

Trên HNX, thị phần môi giới của Bản Việt năm 2018 chỉ xếp thứ 8 với 4,52% thị phần và trên UPCoM là 7,66%, xếp ở vị trí thứ 3. SSI và VNDirect vẫn là hai công ty chứng khoán dẫn đầu về môi giới ở hai sàn này.

Chứng khoán Bản Việt là công ty do bà Nguyễn Thanh Phượng sáng lập và đang là Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, bà Thanh Phượng chỉ nắm giữ 6,75 triệu cổ phiếu VCI, chiếm tỷ lệ 4,14% vốn điều lệ và chưa phải là cổ đông lớn của công ty.

Về diễn biến của thị trường chứng khoán, theo nhận định của Công ty chứng khoán BVSC, sau khi hồi phục từ vùng hỗ trợ mạnh, thị trường cần thêm các phiên tích lũy trước khi phát đi những tín hiệu rõ ràng hơn trong thời gian tới. Trong các phiên tiếp theo, thị trường có thể sẽ đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen.

Trong khi đó, SHS nhận xét, thanh khoản thị trường phái sinh trong khoảng 4 phiên trở lại đây luôn ở mức cao với hơn 150.000 đồng hợp đồng cho thấy một bộ phận nhà đầu tư đã rời bỏ thị trường cơ sở để chuyển sang thị trường phái sinh nhằm mục đích kiếm lời ngay cả khi thị trường giảm.

Điểm tích cực trong phiên hôm qua 8/1 là chênh lệch của các hợp đồng tương lai đã được thu hẹp lại so với VN30 cho thấy nhà đầu tư đang dần nghiêng về khả năng thị trường sắp tạo đáy ngắn hạn thành công.

Mai Chi

Cú “soán ngôi” bất ngờ, cổ phiếu công ty bà Thanh Phượng có “hồi sinh”? - Ảnh 2.