Cú rút vốn ngàn tỷ gây chấn động: Đại gia bí ẩn thu tiền lo việc lớn
Vụ thoái vốn trị giá lớn, gần ngàn tỷ đồng diễn ra bất ngờ trong bối cảnh thị trường sôi động. Dòng vốn ngoại tiếp tục ồ ạt đổ vào Việt Nam và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo thông tin từ sàn UPCOM, trong phiên giao dịch ngày 26/3, nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ mua 50 triệu cổ phiếu VGT của tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex trên sàn UPCOM thông qua phương thức thỏa thuận.
Cho tới thời điểm này, phía bán ra cổ phiếu và lý do bán ra chưa được công bố.
Tuy nhiên, với khối lượng cổ phiếu bán ra lớn như vậy, khả năng chỉ có thể là 1 trong 3 nhà đầu tư lớn tại Vinatex. Đó là Bộ Công thương (hiện đang nắm giữ 267,4 triệu cổ phiếu Vinatex tương đương 53,49%, Tập đoàn Vingroup (đang nắm giữ 50%, tương đương 10%) và Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam - VID Group (70 triệu cổ phiếu, tương đương 14%).
Bộ Công thương chưa có thông báo về việc thoái vốn Vinatex. Do vậy, đại gia bí ẩn bán 50 triệu cổ phiếu có thể là Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng hoặc VID Group.
Vinatex IPO từ quý 3/2014 và chuyển thành công ty cổ phần vào tháng 1/2015 trước khi đăng ký giao dịch trên UPCOM vào đầu 2017. Hai cổ đông chiến lược Vingroup và Tập đoàn VID Group mua cổ phiếu Vinanex với giá bình quân khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, năm 2017, Vinatex đã quyết định cho phép 2 cổ đông chiến lược được chuyển nhượng cổ phần trước thời hạn, thay vì bị hạn chế trong vòng 5 năm kể từ khi VGT cổ phần hoá năm 2014.
Đóng cửa phiên giao dịch 26/3, cổ phiếu VGT chốt ở mức 15.500 đồng/cp, thấp hơn so với mức giá thoả thuận 16.200 đồng/cp. Như vậy, với mức giá này, đại gia bí ẩn có thể đã thu về hơn 800 tỷ đồng, thu lời khoảng 260 tỷ đồng.
Trên thực tế, nếu bán ở mức giá này, tỷ suất lợi nhuận cho khoản đầu tư nói trên không cao và không phù hợp với những tuyên bố trở thành cổ đông chiến lược của các đại gia trước đó. Cổ phiếu Vinatex tăng giá kém hơn rất nhiều so với thị trường chung. VGT lên sàn UPCOM hồi đầu 2017 với giá tham chiếu 13.500 đồng/cp. Tới cuối 2017, cổ phiếu này đã giảm về sát ngưỡng bán đấu giá cổ phần 11.000 đồng/cp trước khi tăng trở lại về mức 15.500 đồng/cp như hiện nay.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) diễn biến sôi động, dòng vốn ngoại dồn dập đổ vào, những cú bán vốn thường ở mức giá cao hơn rất nhiều so với thị giá.
Gần đây 1 quỹ đầu tư nước ngoài đã chốt lời kiếm 60% từ một khoản đầu tư vào cổ phiếu Masan (MSN) sau hơn 1 năm rót tiền vào. Điều đáng nói là ở vào thời điểm cuối 2017, quỹ đầu tư này đã phải mua cổ phiếu MSN ở mức giá cao hơn gần 50% so với thị giá ở vào thời điểm đó.
Vụ thoái vốn trị giá lớn của đại gia nội diễn ra bất ngờ trong bối cảnh thị trường chứng khoán sôi động. Dòng vốn ngoại tiếp tục ồ ạt đổ vào Việt Nam và chưa có dấu hiệu dừng lại.
TTCK tăng mạnh và lấy lại được đỉnh cao kỷ lục vừa lập trong tuần trước. Những diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán Mỹ có thể tiếp sức cho đà đi lên của chứng khoán Việt Nam.
Thị trường tiếp tục chứng kiến sự hấp dẫn của nhóm cổ phiếu bất động sản và ngân hàng. Trong khi đó nhóm dầu khí giảm mạnh do những tác động tiêu cực bên ngoài.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 26/3, VN-index tăng 17,63 điểm lên 1.171,22 điểm; HNX-Index tăng 1,79 điểm lên 133,67 điểm. Upcom-Index tăng 0,11 điểm lên 60,03 điểm. Thanh khoản đạt 290 triệu cổ phần. Giá trị đạt 8,8 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Hà
VietnamNet