Cú nhảy lịch sử của giá vàng và những dự đoán gây sốc trong năm 2021
(Dân trí) - Năm 2020, giá vàng SJC đã có phiên tăng qua mốc 62 triệu đồng/lượng, được đánh giá là "cú nhảy sốc" của mặt hàng kim loại quý trong vòng 100 năm qua.
Phiên giao dịch đầu năm mới 2021, giá vàng SJC tại Hà Nội qua niêm yết của một số doanh nghiệp vàng ở mức 55,4 triệu đồng/lượng (mua vào) - 56,25 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và bán buôn.
Tại TPHCM, giá vàng SJC qua niêm yết của doanh nghiệp giao dịch ở mức 55,6 triệu đồng/lượng - 56,15 triệu đồng/lượng.
Các mức giá này tăng khoảng 150.000 đồng/lượng - 250.000 đồng/lượng (chiều mua vào) so với chốt phiên cuối cùng của năm 2020. Còn so với đầu đầu năm 2020, giá vàng SJC hiện tăng mạnh gần 1,4 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng giao ngay qua niêm yết của Kitco.com hiện giao dịch ở mức 1.898 USD/ounce.
Năm 2020 được đánh giá là một năm đại thắng đối với giới đầu tư vàng khi giá vàng liên tiếp phá đỉnh cao trong lịch sử. Vào ngày 7/8/2020, giá vàng SJC đã tăng sốc qua mốc 62 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới lên sát 2.100 USD/ounce.
Giá vàng tiếp tục xô đổ mọi kỷ lục, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm lu mờ triển vọng hồi phục kinh tế của các nước trên thế giới. Qua đó nó thúc đẩy sức hút trú ẩn an toàn của vàng, bất chấp tốc độ tăng nhanh có thể dẫn đến một số hoạt động chốt lời.
Chuyên gia Nguyễn Thế Hùng, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam từng cho biết: "Trong lịch sử hơn 100 năm của thị trường vàng, chưa bao giờ thị trường vàng có những cú nhảy sốc như năm 2020. Từ mức 1.700 USD/ounce, giá vàng có thời điểm chạm ngưỡng 2.075 USD/ounce".
Tuy nhiên, sau "cơn say" giá vàng, thị trường kim loại quý lại đồng loạt lao dốc. Dẫu vậy, tính chung cả năm 2020, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 25% khi các ngân hàng trung ương và chính phủ toàn cầu có các biện pháp hỗ trợ kinh tế, khiến lạm phát cao hơn và đẩy các đồng tiền đi xuống.
Hiện câu hỏi lớn mà giới đầu tư đang đặt ra là liệu giá vàng có lập kỷ lục mới trong năm 2021 hay không? Theo đánh giá của giới chuyên gia, câu trả lời này phụ thuộc vào một số yếu tố.
Đặc biệt là việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Nếu thành công, nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sang các tài sản rủi ro cao - vốn không có lợi cho vàng. Tuy nhiên, nếu tình hình trở nên tệ hơn, các nhà giao dịch sẽ tìm tới các kênh trú ẩn an toàn và giá vàng nhiều khả năng tiếp tục tăng.
Ngoài ra, diễn biến giá vàng cũng phụ thuộc nhiều vào thị trường chứng khoán và sức khỏe của các doanh nghiệp, cũng như biến động của đồng bạc xanh. Hiện thị trường chứng khoán Mỹ đang ở gần mức cao kỷ lục, trong khi nhiều doanh nghiệp bị buộc phải đóng cửa vì đại dịch...
Nhiều dự báo cho rằng, giá vàng có thể quay lại mốc 2.000 USD/ounce trong năm 2021, tùy thuộc vào triển vọng lạm phát tại Mỹ. Sau khi ông Joe Biden chính thức nắm quyền, nhiều khả năng sẽ có thêm các biện pháp kích thích của chính phủ mới, qua đó tạo động lực cho thị trường vàng.
Nhà phân tích tại IG Market, Kyle Rodda, cho rằng triển vọng của giá vàng trong ngắn hạn sẽ xoay quanh thỏa thuận cuối cùng về gói kích thích kinh tế mới tại Mỹ.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết: Mỹ sẽ làm mọi thứ có thể để đánh bại virus, với việc đóng cửa kéo dài sẽ xuất hiện nhiều gói kích thích kinh tế hơn và điều đó sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho vàng.
HSBC Securities (Mỹ) cho rằng, các gói chi tiêu mạnh tay dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho giá vàng.
Theo dự báo của ngân hàng Wells Fargo, năm 2021, giá vàng có thể lên mức 2.100 USD - 2.200 USD/ounce, dù kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ, các mức lãi suất thấp và chính sách nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường kim loại quý này.
Ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại hãng tài chính Oanda đồng quan điểm: Ngoài các gói kích thích kinh tế bổ sung, việc Fed duy trì những chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh tay và nợ liên bang Mỹ sẽ tạo áp lực lên đồng USD vào năm 2021. Ông tin rằng giá vàng có thể đạt mức cao kỷ lục mới ngay trong quý 1/2021.