Cư dân Phú Mỹ Hưng lo thất thu ngân sách

(Dân trí) - Ngày 22/12, TPHCM đã có cuộc họp bàn và đưa ra phương án mới để giải quyết tranh chấp tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (PMH) nhưng phương án này càng làm cư dân PMH bức xúc vì nó khiến ngân sách thất thu hàng nghìn tỷ đồng.

Cư dân Phú Mỹ Hưng lo thất thu ngân sách - 1
Tranh chấp giữa quyền lợi khách hàng - chủ đầu tư đang dần trở thành tranh chấp giữa quyền lợi nhà nước - nhà đầu tư nước ngoài.

Tuần trước, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đề xuất 2 phương án giải quyết tranh chấp đóng tiền sử dụng đất (TSDĐ) tại Khu đô thị PMH và đề nghị chỉ tính 30% TSDĐ đã không tạo được sự đồng tình trong dư luận vì không có cơ sở pháp lý và không giải quyết triệt để mâu thuẫn.

Đến ngày 22/12, theo thông tin của Báo Tuổi trẻ, một đại diện của UBND TPHCM đã tham gia họp bàn với các bên liên quan (trừ cư dân PMH) và đã thống nhất phương án giải quyết để trình xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, TPHCM đề xuất cho Công ty PMH đóng thêm tiền thuê đất trong 20 năm để được giao đất. Đối với những khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà của PMH trước năm 2009 mà chưa làm thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà, đất thì sẽ được đóng TSDĐ theo giá đất năm 2008. Công ty có nghĩa vụ thu TSDĐ của người dân và đóng cho Nhà nước.

Tuy nhiên việc đề xuất cho Công ty PMH đóng thêm tiền thuê đất trong 20 năm để được giao đất (vì PMH đã đóng tiền thuê trong 50 năm) đã vấp phải phản ứng gay gắt.

Bà Thanh Hằng, một cư dân PMH cho rằng: “Không thể hiểu nổi khi làm một phép tính trừ rất đơn giản là 70 năm - 50 năm = 20 năm để biện luận Công ty PMH phải đóng thêm tiền thuê đất 20 năm nữa cho Nhà nước để được giao đất”. Theo bà nếu tính đúng thì PMH “phải nộp khoản tiền chênh lệch giữa đất thuê 50 năm và đất sử dụng ổn định lâu dài tức là 100% tiền sử dụng đất”.

Số tiền đó theo bà Hằng tính là: 9.000.000 đồng/m2 (giá đất trung bình năm 2009) x 6.000.000m2 = 54.000 tỷ đồng trừ đi 18 triệu USD (số tiền thuê đất trong 50 năm của Công ty PMH), tức cũng hơn 53.650 tỷ đồng.

Còn tính theo như đề xuất của TP thì PMH có lẽ chỉ phải nộp 2/5 của 18 triệu USD (tức là chỉ có 7,2 triệu USD, khoảng hơn 130 tỷ đồng). Như vậy ngân sách sẽ thất thu khoảng 53.500 tỷ đồng. Bà Hằng bức xúc: “Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm về việc thất thu ngân sách này?”.

Ngoài ra, người dân cũng cho là việc “ưu đãi” tính TSDĐ theo giá đất năm 2008 là không công bằng với các dự án khác, gây thất thu ngân sách. Bởi giá đất năm 2008 khu vực này chỉ từ 1,2 - 6,4 triệu đồng/m2; bảng giá đất năm 2009 lại lên đến 7,7 - 12,1 triệu đồng/m2.

Một cư dân PMH bày tỏ: “Nếu Công ty PMH đạt được các yêu cầu như trên thì UBND TPHCM sẽ đối xử với các công ty kinh doanh bất động sản khác trên địa bàn thành phố như thế nào? Hay là chỉ có duy nhất PMH mới có được “ưu đãi” như vậy?”.

Còn việc Công ty PMH có “nghĩa vụ thu TSDĐ của người dân và đóng cho Nhà nước” là đúng theo tinh thần của quyết định 112/2002/QĐ-UB về quy chế hoạt động của PMH mà lâu nay PMH không thực hiện. Tuy nhiên, cái mà người dân thắc mắc là TSDĐ này đã được PMH tính vào giá căn hộ, nền đất khi bán cho khách hàng hay chưa thì chưa được PMH công bố.

Theo đề xuất của UBND TP thì người dân đã mua nhà đất của PMH trước năm 2009 phải đóng TSDĐ theo giá đất năm 2008. Điều đó có nghĩa là PMH chưa tính TSDĐ vào giá thành.

Tùng Nguyên